5 lý do kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Mỹ có ngân hàng trung ương hành động dứt khoát, nền kinh tế linh hoạt, ngân sách ít bị cắt giảm và thị trường chứng khoán vững mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Châu Âu vẫn loạng choạng, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, còn Nhật Bản cũng phải chật vật duy trì các thành tựu mới đạt được gần đây. Chỉ có Mỹ cải thiện dần đều. 5 năm sau khủng hoảng tài chính, kinh tế nước này đã có nhiều dấu hiệu khiến người dân hài lòng. Tháng trước, Mỹ tạo ra 288.000 việc làm, nhiều hơn dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,1% - thấp nhất 6 năm. Đây cũng là tháng đầu tiên trong 15 năm, Mỹ tạo ra thêm trên 200.000 việc làm.

Bên cạnh đó, sau khi tăng trưởng âm 2,9% trong quý một, chủ yếu vì thời tiết khắc nghiệt, GDP Mỹ được dự đoán tăng 3% cho đến cuối năm. Theo AP, có 5 lý do khiến kinh tế nước này vượt trội so với các cường quốc khác.

1. Ngân hàng trung ương mạnh mẽ

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hành động nhanh và quyết liệt hơn các ngân hàng khác trong việc giữ lãi suất thấp", Bernard Baumohl - kinh tế trưởng Economic Outlook Group nhận xét. Tháng 12/2008, FED hạ lãi suất ngắn hạn xuống gần 0% và duy trì cho đến tận bây giờ. Lãi suất cho vay cực thấp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân chi tiêu. FED cũng tung 3 chương trình mua lại trái phiếu quy mô lớn, nhằm giảm lãi suất dài hạn.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại chậm chạp trong việc phản ứng với suy giảm kinh tế tại 18 quốc gia khu vực đồng euro. Đến năm 2011, ECB thậm chí còn nâng lãi suất. Cùng năm đó, eurozone rơi vào suy thoái.

FED có hai mục tiêu: bình ổn giá cả và cải thiện thị trường việc làm. Trong khi đó, ECB chỉ có một suy nghĩ là ngăn lạm phát tăng cao. Cựu chủ tịch FED - Ben Bernanke đã giúp nước Mỹ đi qua suy thoái. Người kế nhiệm ông - bà Janet Yellen cũng đang tiếp tục quan điểm đưa nền kinh tế quay về thời kỳ tiền khủng hoảng, với lãi suất thấp kỷ lục.

2. Các ngân hàng khỏe mạnh hơn

Mỹ tiến xa hơn châu Âu trong quá trình hồi phục ngành ngân hàng sau khủng hoảng. Chính phủ Mỹ đã cứu trợ hệ thống ngân hàng, thực hiện nhiều cuộc kiểm tra (stress test) năm 2009 để tìm hiểu tình trạng các nhà băng lớn. Kết quả khả quan ngoài dự đoán đã khôi phục niềm tin trong hệ thống tài chính Mỹ, khiến các ngân hàng hào phóng cho vay.

Trong khi đó, nhà băng châu Âu thực hiện stress test muộn hơn. Và kết quả kỳ kiểm tra hiện tại phải đến quý III mới có. Vì thế, các nhà băng nước này không có đủ tự tin. Họ lo ngại ngân hàng khác có quá nhiều nợ xấu và châu Âu có nguy cơ trải qua một cuộc khủng hoảng khác. Vì thế, phần lớn đều kiềm chế cho vay.

Tại Mỹ, tín dụng ngân hàng đã tăng 4% trong một năm qua. Cho vay doanh nghiệp cũng tăng 10%. Trong khi đó, số liệu này tại châu Âu lại giảm lần lượt 3,7% và 2,5%.

3. Nền kinh tế linh hoạt hơn

Các nhà kinh tế học cho biết Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc cần phải cải tổ để nền kinh tế linh hoạt hơn, như Mỹ.

Châu Âu cần gỡ bỏ hạn chế tiền lương, để giúp các công ty giảm lương (thay vì sa thải) khi gặp khó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho biết châu Âu cần xem xét lại các chương trình phúc lợi xã hội khiến người dân không muốn đi làm, và các chính sách thiên vị một số doanh nghiệp mà bỏ qua những ý tưởng tiến bộ.

Các đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe nhằm tăng tính cạnh tranh cho kinh tế Nhật Bản, như mở rộng chương trình chăm sóc trẻ em để phụ nữ có thể đi làm, thay thế các trang trại nhỏ kém hiệu quả bằng trang trại quy mô lớn, hay cho phép tăng nhân công nước ngoài nhập cư, đều bị phản đối.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang vật lộn với quá trình chuyển đổi tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, thay vì xuất khẩu và đầu tư.

"Nhật Bản và châu Âu gần đây mới bắt đầu giải quyết các vấn đề gốc rễ. Vì vậy, họ còn rất nhiều việc phải làm", Eswar Prasad – Giáo sư tại Đại học Cornell nhận xét.

4. Ít cắt giảm ngân sách

Gánh nặng nợ công đã khiến nhiều quốc gia châu Âu chọn thắt lưng buộc bụng bằng cách giảm lương hưu, tăng thuế và giảm lương công chức. Chính động thái này đã hủy hoại các nền kinh tế đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp là 27%, Bồ Đào Nha là 14% và Tây Ban Nha là 25%. Mỹ cũng cắt giảm ngân sách và tăng thuế, nhưng không mạnh như châu Âu.

5. Thị trường chứng khoán khởi sắc

Chính sách nới lỏng tiền tệ của FED đã khiến chứng khoán Mỹ không ngừng đi lên gần đây. 5 năm qua, chứng khoán Mỹ đều vượt trội so với châu Âu, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc).

Đây cũng là một trong những mục tiêu của ông Bernanke khi hạ lãi suất. Ông cho rằng lãi suất trái phiếu thấp sẽ khiến nhà đầu tư đổ xô sang chứng khoán để tìm lợi nhuận cao hơn. Giá cổ phiếu cao sau đó lại khiến người Mỹ cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng chi tiêu. Đây được gọi là hiệu ứng tài sản (wealth effect). Hầu hết các nhà kinh tế học đã phải công nhận biện pháp này rất có hiệu quả.