7 điều cấm kỵ tại Trung Quốc

Theo vietnamnet.vn

(Tài chính) Mạng xã hội, sách, phim nước ngoài,... đều bị cấm và kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc để tránh những vấn đề nhạy cảm, kích động chính trị.

 7 điều cấm kỵ tại Trung Quốc
Nhiều phương tiện truyền thông quốc tế bị cấm sử dụng tại Trung Quốc. Nguồn: internet

Trung Quốc đang tiến hành cải tổ khi giới chức cam kết vai trò quyết định thị trường trong nền kinh tế khổng lồ. Mới đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã gỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 14 năm đối với các hãng game ngoại. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những rào cản giữa người dùng và con đường tiếp cận truyền thông.

1. Twitter

Tại Trung Quốc, Twitter bị cấm và người dùng không có cách nào truy cập vào tiểu blog bằng mạng Internet trong nước. Cơ quan kiểm duyệt tại đây đã dựng lên một hệ thống chặt chẽ mang tên Great Firewall (GFW) hoạt động nhiều năm nay, lấy cảm hứng từ công trình Vạn lý trường thành nổi tiếng từng bảo vệ bờ cõi Trung Quốc.

CNN dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh cảm thấy bất an sau khi chứng kiến vai trò của truyền thông xã hội trong hai cuộc "Cách mạng xanh" tại Iran (2009) và "Mùa xuân Ảrập" (diễn ra ở các nước Bắc Phi năm 2011). Do đó, họ quyết định chặn Twitter.

2. Facebook

Năm 2009, Trung Quốc chặn đường truy cập vào Facebook và đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền sẽ mở lại kết nối từ mạng trong nước đến với nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ. Đây là hậu quả của một cuộc đụng độ diễn ra vào tháng 7/2009 giữa người Ngô Duy Nhĩ theo đạo Hồi và người Hán tại vùng phía Tây khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc).

Ngoài ra, lệnh cấm còn mang mục đích thương mại. Các trang mạng xã hội của Trung Quốc được phép hoạt động cả nước, giúp quảng bá nền công nghệ nội địa, dù vẫn còn nhiều kiểm duyệt.

3. Phim nước ngoài

Lãnh đạo Trung Quốc chỉ cho chiếu 34 bộ phim nước ngoài tại các rạp mỗi năm và rất khắt khe trong việc cấp phép cho các bộ phim "bom tấn" của Hollywood. Những phim được phép ra rạp vẫn chịu sự kiểm duyệt gắt gao, những nội dung bị xem là nhạy cảm, kích động chính trị sẽ bị cắt bỏ.

4. Casino

Bắc Kinh cấm bài bạc từ năm 1949 và casino không được phép hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều người dân nơi đây lại hứng thú với trò chơi mang tính may rủi, vốn có truyền thống và văn hóa từ hàng nghìn năm trước. Vì lẽ đó, nhiều đơn vị kinh doanh hình thức này đã phải hoạt động chui trong thế giới ngầm.

Macau, khu hành chính đặc biệt nằm ngoài khơi Trung Quốc, được xem là "thiên đường casino", thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển gấp 7 lần so với Las Vegas, thành phố bài bạc nổi tiếng của Mỹ.

5. Website

Trung Quốc chặn kết nối đến hàng nghìn website khác nhau, gồm cả mạng xã hội lẫn những địa chỉ chứa nội dung đồi trụy. Những trang chỉ trích đảng cầm quyền hay bàn về những chủ đề nhạy cảm như quyền con người đều bị cấm.

Việc tìm kiếm thông tin và các đoạn hội thoại trên mạng xã hội cũng bị hạn chế, buộc người dùng Internet phải áp dụng các ngôn ngữ thay thế để bàn tán về tin tức hay những sự kiện lịch sử như cuộc biểu tình tại Thiên An môn (diễn ra năm 1989). GFW đã chặn tất cả và những người có nhu cầu tìm hiểu chỉ còn cách sử dụng mạng ảo cá nhân (VPN) hoặc proxy bảo mật để truy cập đến những địa chỉ cấm.

6. Sách

Cơ quan quản lý báo chí và ấn bản Trung Quốc để ý tới mọi cuốn sách trước khi được phát hành tại đây và đương nhiên, việc kiểm duyệt là một khâu không tránh khỏi. Sách nói về nhân quyền, khu tự trị Tây Tạng hay đảng cầm quyền đều bị cấm. Những báo cáo về tài sản của giới lãnh đạo cũng không được phép lộ ra ngoài. 

Những nhà xuất bản phớt lờ luật sẽ bị đóng cửa ngay lập tức khiến tác giả chỉ còn hai lựa chọn: chấp nhận cắt xén thông tin để qua kiểm duyệt hoặc không ra sách, chấp nhận mất cơ hội đến tay 1,4 tỷ người đọc. Một cách để vượt qua kiểm soát là nhập lậu sách từ Hong Kong (Trung Quốc), nơi các nhà xuất bản hưởng nhiều tự do hơn.

7. Snapchat

Không riêng Facebook, Twitter, YouTube bị cấm, Snapchat, một ứng dụng nhắn tin của Mỹ cũng không được phép hoạt động tại Trung Quốc. Snapchat cho phép người dùng nhắn tin bằng hình ảnh, video với nhau và tự hủy tin trong vòng 10 giây, rất khó để kiểm soát nội dung.

Việc giữ chân dịch vụ ngoại ngay tại biên giới đã giúp các công ty Trung Quốc có cơ hội phát triển riêng của mình, trong số này, vài công ty nổi lên mạnh mẽ. Mạng xã hội Weibo, ứng dụng nhắn tin WeChat có hàng trăm triệu người dùng, các trang chia sẻ video như Youku, Sohu, iQiyi rất phổ biến.