9 điều cần biết về Brexit

Theo daibieunhandan.vn

Gần 10 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý gây chấn động của cử tri Anh ủng hộ khả năng rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Theresa May đã đặt bút ký kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 29/3, đồng nghĩa với việc Anh sẽ chính thức bắt đầu cuộc đàm phán với EU về tiến trình thoái xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tại sao tới giờ tiến trình thoái xuất mới được bắt đầu?

Sau cuộc trưng cầu dân ý, một bầu không khí hoang mang bao trùm khắp nước Anh. Thủ tướng Anh David Cameron buộc phải từ chức. Đáng ngạc nhiên là nhân vật đi đầu trong phong trào ủng hộ Bexit Boris Johnson bị loại khỏi cuộc chơi trong khi Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, một trong những người thuộc phong trào vận động để Anh ở lại trong EU, lại trở thành chủ nhân Số 10 phố Downing.

Kể từ đó, các cuộc thảo trong Chính phủ Anh về chủ đề này vẫn được tiến hành. Thế nhưng bà Theresa May đã gặp phải một trở ngại: Tòa án Tối cao buộc Thủ tướng của phe bảo thủ phải tham khảo ý kiến Nghị viện trước khi kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cho phép Anh chính thức rời khỏi EU.

Phải đợi đến ngày 14/3 vừa qua, Nữ hoàng Elizabeth II chính thức chấp thuận cho “cuộc ly hôn” này. Và “lá thư từ biệt” của Thủ tướng Theresa May đã được Đại sứ Anh tại Brussels Tim Barrow chuyển cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vào hồi 12h30 ngày 29/3, đúng vào lúc bà May tuyên bố về “cuộc ly dị” trước các nghị sĩ Anh tại Điện Westminster.

Nội dung chính của Điều 50 là gì?

Chỉ với 255 từ, Điều 50 khá ngắn gọn gồm 5 đoạn, quy định bất kỳ nước thành viên EU nào cũng có thể rút khỏi EU trên cơ sở phải thông báo cho Hội đồng châu Âu. Cơ quan này sẽ thay mặt EU đàm phán cũng như ký kết “thỏa thuận thoái xuất” với quốc gia thành viên.
Thỏa thuận đó phải được chấp thuận bởi đại đa số (tối thiểu 72% trong số 27 quốc gia thành viên còn lại), đại diện cho 65% dân số EU), đồng thời phải nhận được sự ủng hộ của các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEPs).

Khi nào Anh sẽ chính thức rời EU?

Sau khi Điều 50 được Thủ tướng Anh kích hoạt hôm 29/3, những thỏa thuận liên quan sẽ bị ngừng áp dụng tại Anh kể từ ngày “thỏa thuận thoái xuất” có hiệu lực; hoặc hai năm sau thông báo thoái xuất, trừ phi Hội đồng châu Âu và Anh nhất trí kéo dài thời hạn này. Trong thời gian đó, Anh vẫn có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của EU. Vì vậy, Brexit có thể trở thành hiện thực vào năm 2019.

Điều gì sẽ xảy ra trong 2 năm đó?

Với phương pháp đàm phán đối kháng mà nước Anh theo đuổi, rất nhiều người quan ngại EU sẽ phải đối mặt với cú sốc ngay từ thời điểm bắt đầu. Nước này muốn đặt tất cả nội dung lên bàn đàm phán, nghĩa là vừa thảo luận về tiến trình chia tách sau 44 năm gắn bó, vừa thảo luận về khả năng “chung sống” trong tương lai.

Anh quan niệm: “Sẽ không có thỏa thuận về bất kỳ một nội dung nào nếu không đạt được thỏa thuận về tất cả”. Trong khi đó, EU lại muốn đàm phán lần lượt từng quá trình: Đầu tiên là thủ tục “ly dị”, quá trình chuyển tiếp và sau đó mới bàn tính đến tương lai.

Trong thời gian đàm phán, Anh có vị trí pháp lý như thế nào đối với EU?

Anh vẫn phải tôn trọng các hiệp ước và quy định của EU nhưng không được tham gia quá trình quyết định. Đây là quy định trong khổ thứ 4 của Điều 50. Bà Theresa May cũng không được tham gia Hội đồng châu Âu, và bà sẽ không có mặt tại cuộc họp sắp tới của cơ quan này ngày 29/4 tới, mà tại đó, các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra những quyết định chủ chốt liên quan đến Brexit.

Tuy nhiên, Điều 50 không đưa ra bất kỳ quy định nào liên quan đến Nghị viện châu Âu. Liệu quy chế của các nghị sỹ Anh trong Nghị viện châu Âu sẽ như thế nào? Đó là khoảng trống pháp lý mà EU sẽ phải cân nhắc.

“Brexit cứng” mà London sẽ theo đuổi nghĩa là như thế nào?

Ngày 17/1 vừa qua, Thủ tướng May tuyên bố nước Anh sẽ “đoạn tuyệt hoàn toàn và rõ ràng” với EU, được gọi là “hard Brexit” (Brexit cứng). Nữ Thủ tướng đã đưa ra 4 giới hạn đỏ cho tiến trình đàm phán đó là: không chấp nhận quy chế cho phép lao động EU tự do đi lại; không chấp nhận đóng góp bắt buộc vào ngân sách EU; không chấp nhận để Tòa án Công lý EU giám sát Anh; Anh được phép tự quyết định mối quan hệ thương mại với các nước ngoài EU. Để làm được điều đó, Anh sẽ buộc phải rời khỏi không gian kinh tế châu Âu và liên minh thuế quan.

Nước Anh tổn thất như thế nào?

Viễn cảnh về một cuộc ly hôn triệt để (hard Brexit) giữa Anh và EU sẽ khiến nước này tổn thất khoảng 66 tỷ bảng Anh, tương đương 81,1 tỷ USD mỗi năm, theo nhiều nguồn tin châu Âu. Tuy nhiên, khoản tiền này cũng chỉ tương đương với đóng góp của Anh cho ngân sách của EU.

Liệu Anh có thể tái gia nhập EU?

Trong tương lai, nếu Anh muốn tái gia nhập EU, điều đó hoàn toàn có thể theo Điều 49 của Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, khi đó Anh sẽ phải làm hồ sơ gia nhập từ đầu.