ADB: Châu Á rất cần một thị trường trái phiếu mạnh

Theo Thời Báo Ngân hàng

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch ADB phụ trách về khu vực tư nhân và các hoạt động đồng tài trợ, Lakshmi Venkatachalam đã khẳng định châu Á cần có một thị trường trái phiếu mạnh mẽ và lành mạnh để có thể đáp ứng yêu cầu tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và mối quan tâm ngày một tăng của các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm trong khu vực đối với các tài sản dài hạn.

ADB: Châu Á rất cần một thị trường trái phiếu mạnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 46 của mình, diễn ra tại thủ đô Niu Đêli, Ấn Độ, ngày 5/5 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về thị trường trái phiếu châu Á.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch ADB phụ trách về khu vực tư nhân và các hoạt động đồng tài trợ, Lakshmi Venkatachalam đã khẳng định châu Á cần có một thị trường trái phiếu mạnh mẽ và lành mạnh để có thể đáp ứng yêu cầu tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và mối quan tâm ngày một tăng của các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm trong khu vực đối với các tài sản dài hạn.

Ông Lakshmi Venkatachalam nhấn mạnh: Các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm, các quỹ tài sản có chủ quyền và chủ sở hữu tiền vốn dài hạn khác có thể cung cấp một cú hích cho đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân, đặc biệt là thông qua thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay nằm ở chỗ các rủi ro dự án và sự chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư nhìn chung còn chưa phù hợp, nhất là mới chỉ có một số ít quốc gia và lĩnh vực trong khu vực hoạt động tích cực, và việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á vẫn còn kém phát triển và chưa đáp ứng về mặt dịch vụ, mặc dù khu vực có mức độ tiết kiệm đáng kể.

Suy thoái kinh tế ở châu Âu và áp lực từ Hiệp định Basel III (tiêu chuẩn quy định toàn cầu, tự nguyện về an toàn vốn ngân hàng, kiểm tra mức độ căng thẳng và rủi ro thanh khoản của thị trường, nhằm tăng cường nhu cầu vốn ngân hàng) đã giảm bớt rủi ro của các ngân hàng quốc tế, trong khi các ngân hàng ở châu Á lại đang quá tập trung vào thị trường riêng của họ và chỉ ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực như dầu mỏ, khí đốt và năng lượng. Chẳng hạn các ngân hàng của Trung Quốc và Ấn Độ là những thiết chế tài chính tích cực nhất trên thị trường trong nước.

Ông Lakshmi Venkatachalam cho biết, trong năm 2012 ADB đã thiết lập một quỹ đầu tiên thuộc loại này, trị giá 128 triệu USD và hợp tác với Công ty tài chính cơ sở hạ tầng Ấn Độ (IIFCL) bảo lãnh cho trái phiếu của các công ty trong nước của nước này phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ rupee để lấy vốn đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo ông Lakshmi Venkatachalam, một dấu hiệu đáng khích lệ cho thị trường tài chính công là các chính phủ châu Á đang nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ đối tác công - tư và đang thiết lập kế hoạch đầu tư ưu tiên cho các dự án đã được lựa chọn và xem xét, đồng thời các tổ chức tài chính quốc tế cũng đang mở rộng hoạt động và sản phẩm của họ đối với tài chính cơ sở hạ tầng tư nhân để giúp lấp đầy khoảng trống hiện tại trong phân khúc thị trường này.