APEC đối phó với những hoài nghi về toàn cầu hoá

Theo baoquocte.vn

Ngày 15/11,tại Lima (Peru) các vị bộ trưởng, quan chức kinh tế thương mại đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đã họp để tái định hình quá trình toàn cầu hóa và chính sách thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mở rộng cơ hội kinh doanh

Mục tiêu của hội nghị này là nhằm giải quyết vấn đề tăng trưởng thương mại trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trì trệ và nhiều hoài nghi về xu hướng toàn cầu hóa đang gia tăng. Đây cũng là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 24, do Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski chủ trì, sẽ diễn vào cuối tuần này.

Tại hội nghị, các vị bộ trưởng, quan chức kinh tế thương mại đã bàn thảo đề ra các giải pháp nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, tích hợp với thị trường cũ, cải thiện tốc độ tăng trưởng và mức sống cho 3 tỷ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương – khu vực chiếm khoảng 50% thị trường thương mại và 60% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) trên toàn thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC năm 2016, Đại sứ Luis Quesada khẳng định: “APEC luôn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh bền bỉ của toàn cầu hóa và thương mại trong công cuộc xây dựng sự thịnh vượng cho khu vực. Chúng ta phải tận dụng hiệu quả những lợi thế của mình hơn nữa để duy trì niềm tin của công chúng”.

Nhiều biện pháp được thúc đẩy

Nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và chất lượng tăng trưởng, nhiều đại biểu cho rằng cần phải củng cố nền tảng của các FTA thế hệ mới và hiện thực hóa tự do thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường giao dịch thương mại điện tử và các ngành dịch vụ đang phát triển khác, đồng thời xây dựng thị trường thực phẩm khu vực trong bối cảnh nhu cầu lương thực đang ngày càng tăng cao và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đang cập kề.

Bên cạnh đó, các quan chức APEC cũng lưu ý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và chiếm phần lớn công ăn việc làm trong khu vực) tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại và giao dịch xuyên quốc gia một cách dễ dàng hơn. Cụ thể, các quốc gia APEC cần hỗ trợ tính tương thích cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực của lực lượng lao động thông qua cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 24 sắp tới, đại diện của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC sẽ trình bày các khuyến nghị chính sách của mình để lãnh đạo các nước thông qua, đồng thời trao đổi quan điểm về các ưu tiên chính sách trong khu vực.

Bày tỏ quan điểm của mình, Tiến sĩ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, nhận định: “Điều cần thiết cho xu hướng tiến bộ mới của toàn cầu hóa và tự do thương mại là tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao tính năng động xã hội và tăng lương".

Theo Tiến sĩ Alan Bollard, phương thức khuyến khích, thúc đẩy sự tự nguyện trao đổi thương mại giữa các thành viên APEC là cách tiếp cận tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế khu vực tiến lên phía trước, thay vì áp đặt những cơ chế ràng buộc pháp lý cho hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận này có thể thúc đẩy sự thay đổi và quan trọng hơn nữa là nhận được sự chào đón bởi tất cả các thành phần xã hội trong khu vực.