Bán quốc tịch để tăng thu ngân sách

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ngày càng có nhiều người giàu nhưng không có đủ thời gian để sống ở một nước nào đó hơn 4 tháng để trở thành công dân của họ. Và kế hoạch của Malta nhằm giải quyết nhu cầu này.

Nếu “đủ giàu”, người nước ngoài sẽ không mấy khó khăn để trở thành công dân của EU. Nguồn: internet
Nếu “đủ giàu”, người nước ngoài sẽ không mấy khó khăn để trở thành công dân của EU. Nguồn: internet

Đủ điều kiện là “bán”

Chính phủ của hòn đảo Địa Trung Hải nhỏ bé Malta vừa công bố kế hoạch bắt đầu bán “quốc tịch” cho người nước ngoài với giá 650 nghìn Euro (tương đương khoảng 888 nghìn USD). Với chương trình có một không hai này, người bỏ tiền để sở hữu tấm hộ chiếu Malta sẽ có được không gian dịch chuyển rộng vô cùng lớn.

Không giống như các chương trình về cấp hộ chiếu tương tự tại EU, những người nộp đơn để có quốc tịch tại Malta sẽ không cần phải có thời gian sinh sống tại quốc gia này trước khi được xem xét cấp hộ chiếu. Thay vào đó, nếu đơn của họ được chấp thuận và người nộp đơn “đủ giàu” để bỏ ra số tiền đóng phí trên thì họ sẽ được cấp hộ chiếu Malta.

Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ ngay lập tức trở thành một công dân của EU. Lúc đó, về mặt lý thuyết theo như các thỏa thuận trong EU, người này có thể sống ở bất cứ đâu trong 27 quốc gia thuộc liên minh này.

Gia nhập EU năm 2004, Malta cũng là thành viên của khu vực Schengen (Hiệp ước Schengen có hiệu lực từ năm 1995 cho phép người dân các nước thành viên được tự do đi lại trong khối mà không có kiểm soát biên giới. Người nước ngoài có visa vào một trong số các nước thuộc khối Schengen cũng được tự do đến các nước còn lại mà không cần xin thêm visa hay tuân thủ quy định kiểm soát).

Nước này cũng đã ký thỏa thuận miễn thị thực với Mỹ, đồng nghĩa với người nước ngoài sẽ được hưởng cả các đặc quyền liên quan. Hiện những người mang quốc tịch Malta có thể đi du lịch đến 163 nước trên thế giới mà không cần xin thị thực.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat dự đoán, nếu được triển khai thành công, mỗi năm chương trình này sẽ mang lại hơn 41 triệu USD, qua đó giúp giảm thâm hụt ngân sách cho quốc đảo này. Bên cạnh đó, chương trình này cũng giúp thu hút những thương nhân nước ngoài giàu có đầu tư vào quốc gia này.

Henley & Partners, một công ty chuyên về luật quốc tịch và di cư quốc tế sẽ hỗ trợ việc thực hiện sáng kiến này. "Malta đang cố gắng tăng thu ngân sách từ chương trình này nhưng đây cũng là động thái mở rộng cửa cho các đối tượng thuộc phân khúc giàu có của dân số thế giới, bởi hiện có nhiều người tiến hành các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nhưng thường họ hay gặp phải các hạn chế về hộ chiếu trong đi lại” – CEO Eric Major của công ty này cho biết.

EU cho biết họ sẽ không can thiệp vào quyết định chấp nhận công dân của mỗi nước thành viên EU. “Các quốc gia thành viên có đầy đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định về cách thức và đối tượng mà họ sẽ cho nhập quốc tịch” - Tove Ernst, nhân viên báo chí của Ủy ban châu Âu nói và cho biết thêm: "Tòa án Tư pháp châu Âu đã nhiều lần khẳng định nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đó là việc mỗi quốc gia thành viên có quyền đặt ra các điều kiện cho việc cấp quốc tịch của mình".

Tạm dừng vì bị phản đối

Nhưng kế hoạch trên đã lập tức đối mặt với các chỉ trích cả trong và ngoài nước. Điều này buộc chính quyền Malta phải tạm thời hoãn thi hành luật này và cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh kỹ hơn các yêu cầu đặt ra. Nghị viện châu Âu cũng sẽ tiến hành một cuộc bàn thảo về vấn đề này vào ngày 15/1/2014.

“Chương trình công dân được thông qua bởi Quốc hội Malta trong những tuần gần đây có vẻ là một sự lạm dụng rõ ràng các quy định công dân EU và Hiệp ước Schengen” - Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu Joseph Daul nhìn nhận và cảnh báo: “Ngay cả khi Malta đã đưa ra lý do và tạm hoãn chương trình này thì Nghị viện châu Âu vẫn cần tranh luận vấn đề này nghiêm túc”.

Tuy cho biết sẽ có sự điều chỉnh, nhưng chính quyền Malta khẳng định tiếp tục bảo vệ chương trình này bởi họ cho rằng, nó sẽ nhằm vào các cá nhân - những người giàu có để thúc đẩy kinh tế trong nước. Chính phủ nước này cũng khẳng định đây không phải hoạt động “bán” bằng mọi giá.

Theo đó, những người nước ngoài muốn mang quốc tịch Malta sẽ phải trải qua một quá trình sàng lọc thẩm định kỹ lưỡng. “Chúng tôi đang thảo luận về các quy định và các vấn đề chi tiết. Rất có thể những sửa đổi sẽ được đưa ra, như về mức phí phải trả 650 nghìn Euro” – ông Kurt Farrugia, người đứng đầu truyền thông cho Chính phủ Malta nói với hãng tin CNN.

Việc thay đổi kế hoạch này có nghĩa là những người quan tâm chưa thể chính thức nộp đơn cho đến khi Chính phủ Malta công bố kế hoạch cuối cùng. Và một khi luật này có hiệu lực thì những người nộp đơn sẽ phải trải qua một quy trình 4 bước. Theo đó, sau khi điền vào các mẫu đơn theo yêu cầu, các thông tin này sẽ được xem xét trên cơ sở dữ liệu trực tuyến.

Tiếp đến là hoạt động kiểm tra thực tế đối với các thông tin cơ bản của người nộp đơn như: quốc tịch hiện tại; việc làm; nơi đang hoạt động kinh doanh. Cuối cùng, các thông tin sẽ được đối chiếu và xác nhận với cơ sở dữ liệu của chính phủ, bao gồm cả dữ liệu của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Anh.

Trong quá trình này, nếu phát hiện bất cứ sự gian dối nào trong khai báo hay đối tượng đã từng mắc án hình sự thì đơn của những người liên quan sẽ bị từ chối.

Công ty Henley & Partners cho rằng, quy trình như vậy là những bước rất kỹ lưỡng trong quá trình rà soát cấp hộ chiếu. Và với kịch bản tốt nhất - tức không gặp phải các sai sót và vấn đề gì trong quá trình xét duyệt - thì quá trình từ khi nộp đơn đến khi được công nhận quốc tịch sẽ mất khoảng 4 – 6 tháng.

Nhưng Simon Busuttil - nhà lãnh đạo của phe đối lập cho rằng, kế hoạch này là “một ngày đen tối cho dân chủ của Malta”. Một số nhà chỉ trích khác cho rằng, chương trình này chỉ nhằm thu hút những người nước ngoài siêu giàu có thể nhanh chóng xâm nhập vào EU qua việc mang quốc tịch Malta. Trong khi đó, với những người nước ngoài không dư giả về tài chính thì chương trình này chẳng mang lại cho họ lợi lộc gì.

Thực tế, một số quốc gia EU cũng có các chương trình cung cấp giấy phép cư trú cho công dân nước ngoài như cho phép họ di chuyển tự do trong khu vực Schengen. Đổi lại, những người này sẽ phải trả phí cao, phải cam kết đầu tư và sống thực tế tại nước đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Đơn cử như chương trình nhà đầu tư cấp 1 tại Anh cho phép các công dân không phải thuộc EU có các quỹ đầu tư từ 1 triệu Bảng (1,6 triệu USD) trở lên đầu tư ở Anh sẽ được định cư lâu dài tại nước này sau một thời gian nhất định. Nhưng để đáp ứng được điều này, đối tượng không được sống ngoài lãnh thổ Anh quá 180 ngày/năm.

“Kế hoạch Malta” khác ở chỗ nó có thể “quốc tịch hóa” người nước ngoài một cách nhanh chóng hơn. Theo CEO Major, chương trình này nhắm vào những người nhiều tiền nhưng ít thời gian. Bởi thực tế, ngày càng có nhiều người giàu nhưng không có đủ thời gian để sống ở một nước nào đó hơn 4 tháng để trở thành công dân của họ.

Và kế hoạch của Malta nhằm giải quyết nhu cầu này. “Đây là một tầm nhìn chiến lược của những người nhìn thấy những lợi ích của toàn cầu hóa” – ông Mayjor ca ngợi kế hoạch của Thủ tướng Malta.