Bao giờ phép màu của Trung Quốc sẽ hết?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Lịch sử cho thấy cuối cùng thì mọi phép màu kinh tế đều sẽ phải chấm dứt. Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khiến mọi người phải ngỡ ngàng trong bao nhiêu lâu nữa?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Câu hỏi lớn nhất của thế kỷ 20 không hề biến mất trong thế kỷ 21. Nhà nước pháp quyền với thị trường tự do hoàn toàn (điển hình là Mỹ) hay chế độ tập trung quyền lực như thời Stalin và Hitler sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, người ta phát hiện ra một trường hợp đặc biệt: Trung Quốc – đất nước đang đi theo đường lối chủ nghĩa tư bản dẫn dắt bởi nhà nước (state capitalism). 

Bằng chứng lịch sử

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những cuộc khủng hoảng nổ ra liên tiếp ở các nền kinh tế phương Tây (suy thoái kinh tế, bội chi ngân sách, gánh nặng nợ công) khiến những tranh cãi xung quanh vấn đề mô hình phát triển kinh tế nổi lên. Nhiều quốc gia phương Tây đang tự hỏi thị trường tự do hoàn toàn (được một số “con rồng” châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản triển khai) hay đường lối như của Trung Quốc mới là con đường tốt hơn để vươn tới sự giàu có và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. 

Lịch sử cũng khiến người ta phải thận trọng. Tăng trưởng thần tốc là đặc điểm mà bất cứ “phép mùa kinh tế” nào cũng phải có. Quá trình này bắt đầu với nước Anh, Mỹ và Đức trong thế kỷ 19, tiếp tục với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Tây Đức trong thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, không quốc gia nào có thể duy trì mãi mãi tốc độ này. Các quốc gia đều phải quay trở lại với tốc độ bình thường bởi tăng trưởng ồ ạt trong quá khứ đã dẫn đến sự trưởng thành. Tốc độ bình thường là bao nhiêu? Đối với nước Mỹ, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 thập kỷ trước khi khủng hoảng 2008 nổ ra là 3%. Đức giảm từ 3% xuống dưới 2%. 

Quá trình chuyển đổi từ chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nghề thủ công sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng đồng nghĩa với khu vực nông thôn trở nên trống rỗng vì lao động đã di cư lên thành phố và cuối cùng thì nguồn lao động giá rẻ bị cạn kiệt. Do đầu tư tài sản cố định tăng lên, lợi nhuận thặng dư giảm xuống. Mỗi đồng vốn bỏ ra cũng không đem lại sản lượng nhiều như trước. Điều này cũng dễ hiểu bởi đó là một trong những quy luật lâu đời nhất của kinh tế học. 

Hiệu ứng trên cũng đúng với những nền kinh tế đã được công nghiệp hóa và nổi lên sau thời kỳ chiến tranh (như Nhật Bản và Tây Đức). Tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản giảm từ 8% xuống dưới 0% chỉ trong 2 năm, Hàn Quốc giảm từ 12% xuống -1,5%. Chính Trung Quốc cũng là minh chứng hùng hồn cho những cú sốc về tăng trưởng. Trong 2 năm đầu của Cách mạng Văn hóa, tăng trưởng giảm 8 điểm phần trăm. Sau sự kiện thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, tốc độ tăng trưởng 2 con số chỉ còn ở mức 2,5% trong 2 năm liên tiếp. 

Ngày nay, thế giới đang choáng ngợp trước tốc độ tăng trưởng như vũ bão của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể viết lại lịch sử khi vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này hay không? 

Các nhà kinh tế học đã xem xét kỹ lưỡng các cuộc khủng hoảng ở phương Tây và phép màu kinh tế đã kéo dài 30 năm nay của Trung Quốc. Họ rút ra kết luận rằng đã có thời điểm mô hình của Trung Quốc ưu việt hơn so với phương Tây. 

Các vị lãnh đạo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thúc đẩy người dân thực hiện công nghiệp hóa trong một khoảng thời gian rất ngắn. Dưới thời Hitler, tàu hỏa Flying Hamburger giúp đi từ Berlin đến Hamburg chỉ mất 138 phút, trong khi ngày nay ngành đường sắt Đức phải mất 66 năm mới đạt được kỷ lục đó. Lý do rất đơn giản. Hitler không phải lo lắng về phản ứng của người dân địa phương và những cáo buộc liên quan đến môi trường. Có một con tàu được thiết kế bởi người Đức đang đi lại giữa Thượng Hải và sân bay quốc tế Pudong, nhưng chính con tàu chạy trên đệm từ này đã bị phản đối gay gắt ở quê nhà bởi tiếng ồn và tiền bạc đi kèm với nó. 

Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại nhiều hạn chế. Giống như trong lịch sử, nó nuôi dưỡng nhóm lợi ích - những người chống lại sự thay đổi bởi thay đổi đe dọa nghiêm trọng đến vị thế và thu nhập của họ. Theo những gì nhà khoa học Francis Fukuyama giải thích, lợi ích cá nhân gây tổn hại đến thị trường và khả năng cạnh tranh. 

Sự khác biệt của Trung Quốc

Bao giờ phép màu của Trung Quốc sẽ hết? (2)
Trái ngược với nhiều nền kinh tế châu Á khác, Trung Quốc vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc suốt từ những năm 1970 tới nay

Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề tương tự: nhiều ngành được nhà nước ưu ái rót vốn, tạo nên tình trạng độc quyền, trợ cấp không hợp lý, trốn thuế... Nếu nhà nước (chứ không phải thị trường) quyết định năng suất của nền kinh tế, các yếu tố chính trị thắng thế trước lợi nhuận trong quá trình phân bổ nguồn lực. Giấy phép đầu tư, xây dựng, nguồn vốn, rào cản nhập khẩu ... tạo nên tình trạng tham nhũng và đầu tư kém hiệu quả. 

Dẫu vậy, vẫn có thể nhận thấy ở Trung Quốc nhiều điểm khác biệt. Thứ nhất, đó là quy mô của nền kinh tế. Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn sẽ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế thế giới. 

Yếu tố thứ hai thuộc về dân số. Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đã biến thành các công xưởng của thế giới. Hàng dệt may, điện tử, xe hơi của châu Á đe dọa các công ty lâu đời ở phương Tây. Đến một lúc nào đó, nguồn lao động giá rẻ cạn kiệt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn hàng triệu người sống ở nông thôn. Cũng đừng nhầm Trung Quốc với Nhật Bản, quốc gia đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi gánh nặng dân số già hóa. 

Thế nhưng, năm 2015 là một cột mốc quan trọng. Lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm, trong khi số người già phụ thuộc tăng lên. Đây là kết quả của việc tỷ lệ sinh giảm xuống, sức khỏe của người dân được cải thiện và tuổi thọ trung bình tăng. Ngược lại, Mỹ được trẻ hóa nhờ tỷ lệ sinh tăng lên và dân di cư. Dân số già đi không chỉ khiến lực lượng lao động bị thu hẹp mà còn làm thay đổi sự cân bằng giữa bộ phận tìm kiếm sự an toàn và ổn định với những người ưa thích rủi ro. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 

Kinh tế Nhật Bản đã trì trệ trong suốt mấy thập kỷ gần đây. Đài Loan và Hàn Quốc đi theo con đường của phương Tây với tăng trưởng nuôi dưỡng sự giàu có và tầng lớp trung lưu nhưng sau đó vẫn phải chịu cảnh tăng trưởng chậm lại. 

Cho dù đi theo mô hình phương Tây hay Xô Viết, có một điều luôn luôn đúng: vì nhiều lý do khác nhau, tăng trưởng vượt bậc không bao giờ là dài hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ. Chiến lược mà Trung Quốc áp dụng là nới lỏng thị trường một cách hết sức chậm rãi và duy trì ổn định chính trị. 

Liệu Trung Quốc có thể bước tiếp con đường này hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và không ai tự tin mình có thể đưa ra câu trả lời chính xác.