Bên lợi - bên thiệt vì điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc

Theo gafin.vn

(Tài chính) Công tác điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc đang đe dọa đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mặc dù công cuộc chống chủ nghĩa độc quyền ở Trung Quốc sẽ mở ra kỷ nguyên mới đối với hệ thống quản lý giám sát của chính phủ nhưng lại là dấu chấm hết cho những ngày tháng "ăn nên làm ra" của khối doanh nghiệp nước ngoài, từ hãng xe ôtô Audi cho đến thương hiệu cà phê Starbucks, tại Bắc Kinh.

Tháng 7, các cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đã gây áp lực và yêu cầu ít nhất 7 hãng sản xuất xe ôtô phải hạ giá thành sản phẩm, đồng thời lục soát văn phòng của hãng sản xuất phần mềm Microsoft. Đây là 2 trong nhiều doanh nghiệp nước ngoài rơi vào diện điều tra chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc kể từ năm ngoái.

Trung Quốc hiện nay không còn là nước phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài như trước đây. Vì lý do này, chính phủ không còn dè dặt trong việc triển khai điều tra chống độc quyền tại các doanh nghiệp nước ngoài. Các cuộc điều tra của Trung Quốc khiến khối doanh nghiệp này phải "chật vật" tìm cách thích nghi với những luật lệ và quy định mới do chính phủ đề ra.

Phát ngôn viên của NDRC Li Pumin cho biết, mục đích của đợt điều tra này là duy trì trật tự của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Hãng Audi, Bayerische Motoren Werke, Mercedes-Benz, Jaguar Land Rover, Chrysler, Toyota và Honda tuyên bố sẽ hạ giá bán sản phẩm kể từ tháng 7 ngay khi Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) bắt tay điều tra hoạt động và bảng giá của hơn 12 hãng sản xuất ôtô.

Ngày 12/8, Audi cho biết, doanh nghiệp liên doanh FAW-Volkswagen của hãng có thể bị trừng phạt vì vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Theo nhân viên cấp cao làm việc tại một hãng sản xuất ôtô danh tiếng ở Trung Quốc, kể từ khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phàn nàn về giá nhập khẩu xe hơi vào nước này đắt hơn nhiều so với các thị trường khác, chính phủ ngày càng tăng sức ép lên doanh nghiệp sản xuất ôtô của nước ngoài.

Ngoài hãng sản xuất ôtô, những thương hiệu lớn khác như, Starbucks, Microsoft, cũng chịu chung số phận. Một đặc điểm chung giữa các doanh nghiệp nước ngoài này là lợi nhuận kiếm được từ các chi nhánh ở Bắc Kinh lớn hơn nhiều so với ở London hay New York. Biên lợi nhuận của Starbucks tại Trung Quốc/ châu Á Thái Bình Dương là 35%, cao hơn nhiều so với 9% ở châu Âu và 24% ở châu Mỹ. Tương tự, các hãng sản xuất thuốc tại Trung Quốc cũng có mức biên lợi nhuận cao hơn khu vực khác, theo số liệu của chuyên gia phân tích Philippe Lanone tại công ty chứng khoán Natixis.

Ngoài NDRC, tháng 7, Cơ quan quản lý Công nghiệp và Thương mại cũng từng tuyên bố sẽ điều tra xem liệu hệ điều hành Windows và phần mềm Office của Microsoft có vi phạm luật chống độc quyền hay không.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài khốn đốn vì chiến dịch chống độc quyền của Trung Quốc thì vẫn có bên hưởng lợi lớn, là công ty tư vấn. Điển hình là Công ty quản lý rủi ro Control Risks chuyên tư vấn về các vấn đề chính trị và an ninh. Kedl. Sébastien J. Evrard tại công ty luật Jones Day ở Hong Kong cho biết, hoạt động kinh doanh của Control Risks tăng trưởng gấp đôi trong năm 2013 do ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến, xin tư vấn trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc triển khai công tác chống độc quyền. Nhu cầu tư vấn đã lên đỉnh điểm trong năm 2013 khi các doanh nghiệp buộc phải rà soát lại bảng giá sản phẩm cũng như các mối quan hệ thương mại.