Biến động trên thị trường tài khóa, tiền tệ thế giới 4 tháng đầu năm 2016

Theo ncseif.gov.vn

Trong 4 tháng đầu năm 2016, thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động khá mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Mỹ, trong cuộc họp ngày 16/3/2016, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trực thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên mức mục tiêu cho lãi suất cơ bản trong khoảng 0,25-0,5%, đồng thời dự kiến FED sẽ nâng lãi suất 2 lần từ nay đến cuối năm 2016, mỗi lần tăng 0,25% thay vì dự kiến tăng 4 lần trong năm 2016 (mỗi lần 0,25%) như trước đây.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm, đồng thời điều kiện tín dụng cũng bị thắt chặt hơn trong năm 2016 và kinh tế Mỹ tiếp tục đối mặt với rủi ro từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Như vậy, dự kiến mức lãi suất liên bang của Mỹ sẽ ở mức 1,875% vào cuối năm 2017, giảm so với mức dự báo 2,375% được đưa ra hồi tháng 12/2015. Mức dự báo cho cuối năm 2018 cũng bị hạ từ 3,25% xuống còn 3%.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong quý I/2016 tiếp tục biến động mạnh. Giá đồng USD trong 4 tháng đầu năm suy giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới sau những tin tức không khả quan của tình hình sản xuất và chi tiêu của Mỹ. Chỉ số USD Index tháng 1/2016 dao động ở mức từ 98-99 điểm đã sụt giảm xuống mức 96 điểm trong tháng 2 và tiếp tục suy giảm trong tháng 3, 4 đặc biệt sau quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bàn của Mỹ, cụ thể chỉ số USD index đã sụt giảm gần 1% chỉ trong một ngày sau cuộc họp của FED (ngày16/3) . Hiện tại chỉ số USD index ở mức 94,39 điểm.

Biến động của USD Index trong 4 tháng đầu năm 2016

Biến động trên thị trường tài khóa, tiền tệ thế giới 4 tháng đầu năm 2016 - Ảnh 1

Tỷ giá giữa USD so với các đồng tiền chủ chốt khác suy giảm trong 4 tháng đầu năm 2016. Tỷ giá EUR/USD tăng khá mạnh (5,5%), cụ thể trong tháng 1/2016, 1 EUR chỉ đổi được 1,06 USD, nhưng đến ngày 16/3, 1 EUR đổi được 1,11 USD, đặc biệt từ ngày 16/3 đến 17/3, sau khi Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất, tỷ giá này tăng gần 1%, hiện tại 1 EUR đổi được khoảng 1,12 USD. So với đồng Yên Nhật Bản, đồng USD cũng giảm mạnh (-6,9%) trong 4 tháng đầu năm 2016, tương đương 1 USD đổi được khoảng 120 Yên Nhật Bản vào thời điểm đầu tháng 1/2016, tuy nhiên hiện tại chỉ đồi được khoảng 112 Yên Nhật Bản.

Biến động của USD so với các đồng tiền chủ chốt 4 tháng đầu năm 2016

Biến động trên thị trường tài khóa, tiền tệ thế giới 4 tháng đầu năm 2016 - Ảnh 2

Trong khi đó, tỷ giá giữa USD với Nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục biến động mạnh trong 4 tháng đầu năm 2016 do sự can thiệp mạnh của Ngân hàng TƯ Trung (PBOC) trong những nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế và ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế nước này.

Trong tháng 2, nhằm vực dậy nền kinh tế, PBOC đã liên tiếp hạ tỷ giá NDT/USD xuống,cụ thể là ngày 29/2, PBOC đã phiên thứ 5 liên tiếp hạ giá đồng NDT, cụ thể ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức 6,5452 NDT/USD, mức giảm 0,17% so với phiên hạ giá trước đó, ngày 26/2. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015, đồng NDT giảm liên tục trong 7 ngày, đạt mức giảm 0,5%. Ngay sau đó, hầu hết các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đều giảm từ 3-5%, đồng thời các nhà đầu tư tiếp tục rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc. PBOC đã cắt tỉ lệ dự trữ bắt buộc mất 50 điểm, tương đương 17% tại các ngân hàng.

Ngày 31/3, nhằm tiếp tục ngăn chặn dòng vốn “chảy máu” đồng thời bảo vệ tỷ giá hối đoái, PBOC đã ấn định tỷ giá này ở mức 6,4628 NDT/ USD, tương đương với việc tăng 0,51% tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này so với đồng USD, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong vòng bốn tháng qua. Hiện đồng NDT được giao dịch với đồng USD ở mức 1 USD = 6,47 NDT. Tựu chung lại, tính từ đầu năm đến ngày 19/4/2016, đồng NDT vẫn tăng giá nhẹ so với đồng USD ở mức 0,29%.