Biển Đông trở thành tâm điểm tại cuộc hội thảo về Ấn Độ Dương

Huyền Anh

Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) ngày 18/3/2016 đã tổ chức Hội thảo quốc tế về “Vấn đề địa chính trị đang nổi lên ở Ấn Độ Dương tại Trung tâm Thủ đô của Ấn Độ. Đáng chú ý, vấn đề Biển Đông trở thành tâm điểm quan trọng của cuộc hội thảo này.

Trung Quốc hành xử trên Biển Đông là một chiến lược đã được hoạch định rõ ràng cho những tham vọng.
Trung Quốc hành xử trên Biển Đông là một chiến lược đã được hoạch định rõ ràng cho những tham vọng.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Hội thảo có các phiên thảo luận về chủ đề “Cách tiếp cận của các quốc gia có biển với Ấn Độ Dương - Sri Lanka, Mauritius, Seychelles, Phillipines, Ấn Độ và Indonesia”; “Cách tiếp cận các quốc gia có biển với an ninh ở Ấn Độ Dương”; “Tầm ảnh hưởng địa chính trị của Biển Đông”; “Sự can dự về kinh tế, văn hóa và lịch sử với khu vực Ấn Độ Dương”.

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đã dẫn các khái niệm và luật pháp quốc tế khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông là không theo luật pháp quốc tế và không theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là một thành viên.

Đại diện cho Việt Nam tham gia Hội thảo, ông Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã có bài tham luận tại hội thảo.

Trong bài tham luận của mình, ông Võ Xuân Vinh đã lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông cũng nêu bật vai trò của Ấn Độ trong việc đảm bảo ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, bài tham luận của ông đã được đông đảo các học giả tại hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao.

Trong một diễn biến khác, trong 2 ngày 17 và 18/3/2016, cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18 diễn ra tại Hà Nội. Đại diện các nước ASEAN và Ấn Độ bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời thảo luận về các thách thức an ninh xuyên quốc gia. Đây là cuộc họp đầu tiên Việt Nam đồng chủ trì với Ấn Độ kể từ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2018.

Hiện nay, Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược của ASEAN. Quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội và đóng góp, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối khu vực. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Ấn Độ-ASEAN tăng 4,6%, từ hơn 68 tỷ USD năm 2011 lên gần 72 tỷ USD năm 2012, năm 2013-2014 đạt 74,3 tỷ USD.

Tạicuộc họp, các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, nhấn mạnh việc kiềm chế, nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông khẳng định đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Ấn Độ. Ông bày tỏ mong muốn Ấn Độ tiếp tục có những đóng góp tích cực, tăng cường hợp tác với ASEAN để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.