Bộ trưởng Tài chính Mỹ hy vọng IMF phân tích ngoại hối “thẳng thắn và công bằng”

Theo thoibaonganhang.vn

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã nói với Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde hôm thứ Ba rằng, ông hy vọng IMF đưa ra phân tích “thẳng thắn và công bằng” về chính sách tỷ giá hối đoái, phát ngôn viên của Kho bạc Mỹ cho biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo vị phát ngôn viên này, trong cuộc điện đàm với bà Lagarde, ông Mnuchin cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính quyền nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Hoa Kỳ, đồng thời mong muốn IMF đẩy mạnh tư vấn chính sách kinh tế đối với các quốc gia thành viên cũng như giải quyết sự mất cân bằng toàn cầu”.

Theo giới phân tích, khi Tổng thống Mỹ theo đuổi mục tiêu “Mỹ là trên hết” nhằm đảo ngược mức thâm hụt thương mại triền miên với Trung Quốc, Mexico, Đức và các đối tác thương mại lớn khác, một số các quan chức trong chính quyền của ông có thể lảng tránh những cam kết nhằm duy trì một hệ thống thương mại toàn cầu mở.

“Tôi tin rằng chính quyền Trump sẽ cố gắng tận dụng IMF và G20 để giúp đạt được các mục tiêu bên ngoài của mình và gia tăng áp lực lên Trung Quốc và Đức”, Domenico Lombardi, một cựu thành viên điều hành của IMF hiện đang làm việc tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, một cố vấn của Canada nói.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng NDT của mình để đạt được lợi thế xuất khẩu với Hoa Kỳ. Hồi cuối tháng Giêng, Peter Navarro - cố vấn thương mại của ông Trump cũng cho biết Đức đã sử dụng giải pháp “định giá thấp” đồng euro để làm như vậy. Cả hai quốc gia này đều có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Nhưng hiện các quan chức IMF không xem đồng nhân dân tệ được định giá thấp, đặc biệt là kể từ khi NHTW Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD để nâng đỡ đồng nhân dân tệ trong năm qua nhằm ngăn chặn dòng chảy vốn.

Còn giá trị của đồng euro so với đồng USD cần phải được xem xét rộng rãi trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực về cơ bản vẫn còn yếu và ngân hàng trung ương châu Âu đã áp dụng chính sách lãi suất âm tại một thời điểm Fed đang tăng lãi suất.

Ông Mnuchin, người đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ một tuần trước đây, vẫn chưa đưa ra các ưu tiên của mình. Trước khi được Thượng viện phê chuẩn, ông cam kết sẽ làm việc thông qua IMF, G7 và G20 để tuyên bố thao túng tiền tệ như một tập quán thương mại không công bằng.

Nhưng ông nói thêm trong bài phát biểu bằng văn bản gửi cho các thượng nghị sĩ rằng: “IMF và các tổ chức đa phương khác không xuất hiện để ngăn cản các quốc gia tiến hành các hoạt động thao túng giá trị đồng tiền của họ”.

Trong cuộc điện đàm với bà Lagarde, phát ngôn viên Kho bạc Mỹ cho biết, ông Mnuchin “nhấn mạnh kỳ vọng của ông rằng IMF sẽ đưa ra phân tích thẳng thắn và công bằng về chính sách tỷ giá hối đoái của các nước thành viên IMF”.

Phát ngôn viên của IMF Gerry Rice cho biết, bà Lagarde cũng đã có “một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Bộ trưởng Mnuchin trên một loạt các vấn đề quan tâm đến các thành viên của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà chức trách Hoa Kỳ”.

Cho đến nay Mỹ vẫn là cổ đông lớn nhất của IMF, chiếm khoảng 17% số phiếu bầu, đủ để phủ quyết hiệu quả nhiều quyết định quan trọng.

Trong văn bản gửi cho các thượng nghị sĩ, Mnuchin cũng cho biết chính quyền Trump sẽ “đảm bảo rằng các nguồn lực của Hoa Kỳ đặt tại các tổ chức quốc tế như IMF và các ngân hàng phát triển đa phương sẽ được sử dụng để thúc đẩy các chính sách phù hợp với mục tiêu của Hoa Kỳ đến mức tối đa có thể”.