Bơm 9.000 tỷ USD, kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi

Theo Tri thức trẻ/CNN

Những chiếc máy in tiền đặt tại các ngân hàng sẽ vẫn đều đặn quay một khi nền kinh tế chưa đạt được kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bốn ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã bơm hơn 9 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát và việc làm kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Đó thật sự là một con số rất lớn, tương đương với giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ sản suất trong sáu tháng.

“Nếu bạn đưa một nhóm các nhà kinh tế từ năm 2008 đến ngày hôm nay và nói với họ rằng các ngân hàng trung ương đã mua 9 nghìn tỷ USD tài sản và vẫn đang tìm kiếm những biện pháp để thúc đẩy lạm phát, tôi nghĩ rằng họ sẽ không tin bạn”, Michael Pearce - nhà kinh tế toàn cầu tại Capital Economics cho biết.

Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu bơm ra một lượng lớn tiền mặt mới khi thế giới đi vào thời kỳ suy thoái. Kế hoạch ở đây khá là đơn giản: bơm thêm tiền vào hệ thống sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay, từ đó thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và các hộ gia đình chi tiêu.

Trong trường hợp bình thường, biện pháp cắt giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay từ các ngân hàng trung ương là đủ để vực dậy nền kinh tế. Nhưng khi lãi suất cho vay đã thấp, và trong một số trường hợp, lãi suất âm không đủ để đạt được mục tiêu mong đợi.

Vì vậy, các ngân hàng trung ương đã tìm đến liều thuốc mạnh hơn khi thử nghiệm mua trái phiếu bằng “cơn lũ” tiền mới. Các chuyên gia hoài nghi liệu biện pháp này có hoạt động tốt?

“Những tác động chính dần xuất hiện như lãi suất dài hạn giảm và giá cổ phiếu tăng”, Pearce nói. "Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy biện pháp này làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hoặc thúc đẩy lạm phát đáng kể", ông nói thêm.

Trong nhiều ngày qua, Cục dự trữ Liên bang (FED) đã bơm 3,9 nghìn tỷ USD thông qua ba vòng mua tài sản. Lần đầu tiên là vào tháng 11/2008, không lâu sau khi thế giới tài chính đã đi vào suy thoái và tiếp tục cho đến tháng 10/2014.

Theo sau là Ngân hàng Anh vào tháng 3/2009, tung ra 375 tỷ bảng (500 tỷ USD) sau 3 vòng nới lỏng định lượng. Chương trình “bơm tiền” được tái khởi động lại vào tháng 8 năm nay sau khi Vương quốc Anh rời khỏi liên minh châu Âu.

Ngân hàng Nhật Bản – đã từng thực hiện chương trình mua trái phiếu giữa giai đoạn 2001 và 2006 để chống giảm phát – bắt đầu tham gia vào tháng 4/2013 khi mua 2,5 nghìn tỷ USD tài sản kể từ đó tới nay.

Ngân hàng trung ương châu Âu là người đến cuối khi chỉ phát động chương trình kích thích kinh tế của mình vào tháng 3/2015. Ngân hàng lập kế hoạch mua 2 nghìn tỷ USD giá trị tài sản đến tháng 3/2017.

Trong động thái mới nhất, ngân hàng trung ương châu Âu thông báo vào hôm thứ năm rằng sẽ bơm tiền vào thị trường nhiều hơn nếu thấy cần thiết.