Bóng ma khủng hoảng của Nga đang xuất hiện ở Trung Quốc?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Khi chiến lược gia của Deutsche Bank AG nhìn vào Trung Quốc, ông cho rằng mình nhận ra được một số dấu hiệu tương tự như những gì đã khiến ông nhận định Thị trường chứng khoán Nga sẽ sụp đổ vào năm 1998.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Động thái cải cách và mở cửa nền kinh tế mà Trung Quốc mới đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới, từ Goldman Sachs cho tới Morgan Stanley và Jefferies Group LLC – những ngân hàng dự báo TTCK Trung Quốc sẽ có nhiều năm tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, John-Paul Smith không đồng tình với quan điểm này. 

Khi chiến lược gia của Deutsche Bank AG nhìn vào Trung Quốc, ông cho rằng mình nhận ra được một số dấu hiệu tương tự như những gì đã khiến ông nhận định TTCK Nga sẽ sụp đổ vào năm 1998. Tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào khoản nợ ngày càng tăng của các doanh nghiệp. Đây là mô hình ẩn chứa nhiều rủi ro cần phải được thay thế bằng các biện pháp hỗ trợ thị trường tự do và cắt giảm ngân sách mà nước Nga đã áp dụng sau khi nước này vỡ nợ và chỉ số Micex giảm tới 44% trong 1 tháng. 

“Các công ty Trung Quốc có thể vướng vào bẫy nợ khiến toàn bộ nền kinh tế chao đảo vào đầu năm tới”, Smith nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Bloomerg hôm 12/12 – một ngày sau khi ông công bố báo cáo dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc sẽ dẫn đến tình trạng các thị trường chứng khoán mới nổi sụt giảm 10% trong năm tới. 

Năm ngoái, Smith đã nhận định TTCK của các nước đang phát triển sẽ giảm ít nhất 10% trong năm 2013. Nhận định này khá chính xác. Chỉ số MSCI Emerging-Markets Index đo lường diễn biến của các thị trường mới nổi đã giảm 6,1%, trong khi các thị trường phát triển tăng tới 22%. Shanghai Composite Index – chỉ số cơ bản của TTCK Trung Quốc – cũng đã mất 7,9% và sẽ có 3 năm giảm liên tiếp trong 4 năm gần đây. 

Goldman, Jefferies

Cơn bán tháo trên TTCK Trung Quốc đã dịu bớt kể từ giữa tháng 11, khi các nhà hoạch định chính sách cấp cao của chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện đợt cải cách kinh tế lớn nhất trong ít nhất 2 thập kỷ. Các biện pháp bao gồm khuyến khích đầu tư tư nhân vào các ngành mà nhà nước đang kiểm soát, cải thiện khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ và tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, chính sáng kiến thả nổi lãi suất cũng khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mốc cao nhất 6 tháng trong tuần trước. 

Hôm nay (23/12), lãi suất cơ bản trên thị trường tiền tệ Trung Quốc cũng đã có ngày tăng thứ 7 liên tiếp, với lãi suất tái chiết khấu kỳ hạn 7 ngày tăng 124 điểm cơ bản, lên 8,84% - cao nhất kể từ ngày 20/6. 

Morgan Stanley nhận định thúc đẩy yếu tố thị trường trong nền kinh tế sẽ giúp các cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ và y tế tăng điểm. Jefferies Group thì nhận định các công ty trong ngành ô tô và bảo hiểm sẽ tăng mạnh nhất khi thị trường bước sang “thị trường con bò”. Goldman Sachs cũng nâng đánh giá chứng khoán Trung Quốc đang bị định giá quá cao, một phần do cam kết cải cách chưa rõ ràng. 

Kinh nghiệm 30 năm 

Smith, người đã luôn có những nhận định bi quan về Trung Quốc kể từ khi ông gia nhập Deutsche Bank năm 2010, cho rằng chỉ có thể chắc chắn khi nhìn thấy quá trình triển khai những thay đổi trong chính sách của chính phủ. 

Kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng dưới 5% trong một vài năm tới, Smith nhận định. GDP đã tăng trưởng ở mức dưới 8% trong 6 quý liên tiếp, trong khi đạt đỉnh 14% năm 2007.
“Bằng chứng sẽ nằm ở quá trình triển khai chính sách. Sẽ rất thú vị khi quan sát liệu chính phủ Trung Quốc có thực sự muốn đi theo con đường giống với nước Nga trong giai đoạn từ năm 1999 đến mùa thu năm 2003 hay không. Rõ ràng là vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ đã chuẩn bị cho điều này”. 

Đã làm việc trong ngành tài chính suốt 3 thập kỷ qua, Smith có được sự nhạy cảm trước các diễn biến của thị trường. Sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ gần thành phố Manchester của nước Anh, ông đã từng làm việc tại công ty bảo hiểm Royal Insurance năm 1983. Ông cũng từng làm việc tại các công ty quản lý tài sản TSB Investment Management, Rothschild Asset Management và Brunswick Brokerage, trước khi gia nhập Morgan Stanley vào năm 1995 với vị trí chuyên theo dõi thị trường Nga.

Chuyến thăm tới nước Nga 

Làm việc tại Morgan Stanley chính là thời gian giúp Smith nổi tiếng khi ông đưa ra dự báo chính xác về TTCK Nga. Nhận định của ông được lấy cảm hứng từ một chuyến thăm tới Nga năm 1997. Ông dừng chân tại một thành phố cảng nằm cách thủ đô Moscow 600 dặm về phía Nam. 

Ở Rostov-on-Don, ông có cái nhìn cận cảnh về một nhà máy sản xuất máy gặt đập liên hợp – thứ khiến ông rất ngạc nhiên: nhà máy mất 1 năm để xây dựng hạn ngạch cho từng tuần và đang ngập trong nợ nần cùng những hợp đồng theo phương thức hàng đổi hàng. 

Chuyến đi này giúp Smith am hiểu về cuộc khủng hoảng tài chính đang phát triển ở Nga, cuộc khủng hoảng khiến nước Nga phải phá giá đồng ruble và vỡ nợ khi không thể hoàn trả khoản nợ nội địa 40 tỷ USD vào tháng 8/1998. 

Trong bản báo cáo được công bố tháng 6/1997, Smith viết rằng nhà đầu tư đã không tập trung vào khả năng vỡ nợ phát sinh từ những khó khăn tài chính ngày càng gia tăng của các công ty. Smith nhấn mạnh chuyến đi tới Rostov-on-Don trong một bản báo cáo hồi tháng 1/1998. Báo cáo cho rằng nhà đầu tư đã quá lạc quan. 2 tháng sau, ông tiếp tục cho rằng gánh nặng tài chính của nước Nga sẽ trở dẫn đến tình trạng không bền vững trong tương lai gần. 

Tuy nhiên, sau khi cơn khủng hoảng qua đi, Smith đã đưa ra những nhận định lạc quan về chứng khoán Nga tại một cuộc họp dành cho các nhà đầu tư diễn ra ở New York năm 1999. Thị trường đã tăng 235% trong năm đó. Ông chia sẻ đây là một trong những dự báo chính xác nhất trong sự nghiệp của ông. 

Bùng nổ tín dụng

Smith cho rằng các đồng nghiệp ở những ngân hàng khác đang đánh giá quá thấp những rủi ro. Tổng tín dụng của Trung Quốc (bao gồm cả những thứ nằm bên ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng) đã tăng từ 124% trong năm 2008 lên mức 190% GDP tính đến cuối năm 2012. Tốc độ này cao hơn ở Nhật Bản trong suốt thời kỳ cuối những năm 1980 – thời kỳ đã tạo nên giảm phát bao trùm Nhật Bản suốt 2 thập kỷ sau đó. Tốc độ cũng cao hơn tốc độ ở Mỹ thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008. 

“Các doanh nghiệp và nền kinh tế vi mô là những yếu tố thực sự quyết định số phận của thị trường tài chính cũng như nền kinh tế Trung Quốc”, Smith nói.