Brazil: Những "được - mất" trong mùa World Cup 2014

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chính phủ Brazil ước tính có khoảng 710.000 công ăn việc làm thời vụ và lâu dài được tạo ra trong mùa World Cup 2014 với tổng doanh thu ước tính 13 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại Brazil không đẹp như mong đợi.

Brazil: Những "được - mất" trong mùa World Cup 2014
Chính phủ Brazil ước tính có khoảng 710.000 công ăn việc làm thời vụ và lâu dài được tạo ra trong mùa World Cup 2014. Nguồn: internet

Không có chỗ cho tiểu thương

Khi biết World Cup 2014 sẽ được tổ chức tại Brazil vào năm 2014, cô Maria Elza de Fatima nghĩ rằng khoảng thời gian tốt đẹp sẽ nhanh chóng trở lại vì trước đó, cô và nhiều chủ sở hữu của một số gian hàng quần áo tại Sao Paulo đã phải chạy vạy khắp nơi lo công việc kể từ khi chính quyền thành phố không gia hạn giấy phép kinh doanh cho cô nữa.

Tuy nhiên, theo cô De Fatima – người may mắn được đảm bảo một công việc chính thức tại World Cup cho biết cơ hội không nhiều. Cô cùng với khoảng hơn 600 người khác chỉ được phép bán túi chườm đá và nước giải khát ở bên ngoài sân vận động Sao Paulo. Trong khi “miếng bánh lớn” kinh doanh tại khu vực tổ chức World Cup chỉ dành cho những đối tác chính thức của FIFA.

Cô cho biết có tới hơn 22.000 chủ gian hàng vẫn phải lăn lê trên khắp các đường phố để kiếm ăn. “Nếu chỉ có hơn 600 công việc (kể cả những công việc thời vụ khác nữa) thì cũng không đủ cho họ” - cô De Fatima than thở.

“World Cup này không dành cho người Brazil” - De Fatima cho biết khi được hỏi liệu Sao Paulo có mang đến những lợi ích như cô mong đợi. “Đơn giản nó dành cho người nước ngoài và bạn bè của FIFA”.

Cơ hội cho tầng lớp trung lưu mới

Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 61% số người được hỏi cảm thấy việc tổ chức World Cup là một điều “tệ hại” cho đất nước của họ.

Theo chị Marina Mattar – thành viên của Uỷ ban phổ biến World Cup của Sao Paulo, World Cup chỉ mang lại rất nhiều tiền cho những nhóm có quan hệ tốt tại Brazil. “World Cup mang lại lợi ích cho Brazil nhưng chủ yếu cho tầng lớp làm kinh tế và chính trị, chứ không dành cho những người bán hàng rong, các công ty nhỏ, và đặc biệt là người lao động nói chung” - cô cho biết.

Mấu chốt của cuộc tranh luận này chính là các chi phí quá đắt đỏ của việc xây dựng các sân vận động mới trên cả nước để tổ chức các trận đấu trong mùa World Cup. Chính phủ Brazil đã phát hành trái phiếu để huy động vốn, cho vay và hạn mức tín dụng từ ngân sách cho các dự án sân vận động ở mức 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kiểm toán gần đây cho thấy giá đã leo thang đến 4,2 tỷ USD.

“Các sân vận động không được xây dựng cho những người bình thường vì giá vé rất cao và nhiều người không thể vào sân xem các trận bóng đá. Thay vào đó, các sân vận động là công cụ kiếm tiền “béo bở” cho các công ty xây dựng” - Mattar nói.

Kèm theo đó là một loạt hệ lụy bao gồm việc tăng giá vận chuyển, chi phí sinh hoạt cao hơn, các mối quan tâm về nhà ở và những cáo buộc về sự “tàn bạo” của cảnh sát.

Theo CIA World Factbook, Brazil hiện đứng thứ 17 trên 140 quốc gia về mức độ cao nhất của sự chênh lệch thu nhập. Nhiều người dân Brazil muốn đặt câu hỏi tại sao một quốc gia mới nổi như Brazil lại chi hàng tỷ USD để tổ chức một giải đấu bóng đá khi số tiền đó có thể được sử dụng tốt hơn trong việc xóa đói giảm nghèo.