Brexit: Cơ hội sắp xếp lại quyền lực thế giới

Theo daibieunhandan.vn

Việc cử tri Anh lựa chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) và sự bất mãn âm ỉ đối với nhiều nước phương Tây đã trở thành chất xúc tác để Trung Quốc và Ấn Độ, được xem như những con rồng, con hổ trong khu vực, hiện thực hóa tham vọng “Thế kỷ châu Á”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những luật chơi lỗi thời

Sau Chiến tranh Thế giới II, thế giới bước vào “Thế kỷ Mỹ”, khi Trung Quốc còn đang phải vật lộn trong nội chiến, Ấn Độ vừa mới thoát ra khỏi thời kỳ thuộc địa và giành được độc lập. Giờ đây, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, còn Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022. Với chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc đang tìm cách hồi sinh tuyến đường thương mại “Con đường Tơ lụa” xưa bằng những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Á tới châu Âu.

Đầu năm 2016, Trung Quốc khai trương Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được coi như đối thủ cạnh tranh với WB hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á mà Nhật Bản dẫn đầu, nhằm tìm cách mở rộng ảnh hưởng tài chính của mình. Tự mô tả là “ngân hàng dành cho thế kỷ XXI”, AIIB thu hút được 57 thành viên tham gia, gồm cả Anh và Australia, trong khi đáng chú ý là không có Mỹ và Nhật Bản. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á, tới năm 2050, châu Á sẽ chiếm tới 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, tăng gấp đôi so với năm 2011. Châu Á cũng sẽ có 3 tỷ công dân có đời sống sung túc.

Trong khi đó, EU và các tổ chức đa phương đầy quyền lực như Liên Hợp Quốc (LHQ), NATO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ra đời từ kỷ nguyên hậu Chiến tranh Thế giới II vẫn giữ những luật chơi cũ. Sau hàng chục năm, cán cân quyền lực thế giới đã có nhiều thay đổi, nhưng các tổ chức đa phương lâu nay do phương Tây chi phối không mặn mà với cải cách, khiến các cường quốc đang lên ở châu Á cảm thấy không được đối xử công bằng và buộc phải tìm hướng đi mới.

Theo Neelam Deo, Giám đốc Viện nghiên cứu Gateway House tại Mumbai (Ấn Độ), hệ thống cũ bảo đảm sự thịnh vượng và an toàn cho phương Tây đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các nước đang nổi lên cho rằng những cải cách của IMF về tỷ lệ bỏ phiếu vẫn không cho họ có đủ tiếng nói, còn Ấn Độ than phiền rằng họ chưa có được chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Cơ hội cho châu Á

Việc Anh sắp rời EU sẽ ảnh hưởng tới các thể chế cũ được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II, vốn có xu hướng bảo vệ quyền lực phương Tây. Brexit đã đưa tới viễn cảnh xảy ra hiệu ứng domino, khi các thành viên khác trong EU cũng tìm cách ra đi, trong bối cảnh liên minh này đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng di cư và khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Một nước Nga đang trỗi dậy, phản ứng mạnh với những lệnh trừng phạt của EU, Mỹ và có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, Ấn Độ, đã hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, bởi những rạn nứt mà nó tạo ra có thể mang lại những lợi thế cho nước này.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia đã nhìn thấy ở Brexit sự trở lại của xu hướng các quốc gia có thái độ thù địch với các lực lượng bên ngoài, thể hiện trong khẩu hiệu “giành lại quyền tự quản từ tay Brussels” của phe chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh.

Samir Saran, chuyên gia cấp cao của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát tại New Delhi, Ấn Độ, cho rằng: “Chúng ta đã ảo tưởng về một thế giới đơn nhất, điều này rõ ràng đã kết thúc. Các quốc gia thành viên trở lại là những quốc gia riêng lẻ. Đó là điều mà chúng ta đang chứng kiến ở khắp nơi trên thế giới”. Đây cũng là lý do mà Chủ tịch WB Jim Yong Kim trong chuyến thăm New Delhi đã cảnh báo, các quốc gia “đang hướng nội”.

Bản thân nước Mỹ cũng đang cảm thấy điều tương tự. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn hạn chế toàn cầu hóa và thu hẹp chính sách nhập cư, với cam kết sẽ rút các dây chuyền sản xuất về và xây dựng bức tường ngăn cách ở biên giới với Mexico.

Brexit chỉ là một trong nhiều diễn biến liên quan đến nhau, hé mở khả năng sắp diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và các hệ tư tưởng trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm xói mòn lòng tin vào những học thuyết kinh tế tự do. Chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến trên khắp phương Tây. Các đường biên giới ở Trung Đông bị xói mòn do sự nổi lên của những cuộc xung đột phe phái.

Những dòng người tị nạn từ những vùng đất nghèo và bị chiến tranh tàn phá, vượt đất liền và biển để đến những vùng đất hứa gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II ở châu Âu. Tất cả những điều này đặt ra thách thức chưa từng có đối với những thể chế và liên minh phương Tây, được hình thành sau Chiến tranh Thế giới II và gần như thống trị thế giới từ đó đến nay.