Brexit có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương châu Á nới lỏng tiền tệ

Theo thoibaonganhang.vn

Việc cử tri Anh bỏ phiếu chia tay Liên minh châu Âu (Brexit) có thể khiến NHTW của không ít các quốc gia châu Á nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế khi sự cố này có thể tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các nhà kinh tế cảnh báo, sự cố Brexit sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư, việc làm và tiêu dùng không chỉ tại Anh mà cả châu Âu, qua đó gây tổn thương xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động này.

Đó chính là nguyên nhân khiến giới chuyên gia dự báo các NHTW của nhiều quốc giá châu Á có thể tiết lộ về lộ trình nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách tháng này, thậm chí một số có thể cắt giảm ngay lãi suất.
"Sự không chắc chắn về mối quan hệ giữ EU và Vương quốc Anh có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của châu Á đến vùng này", Khoon Goh – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ tại Singapore cho biết.

HSBC cũng dự báo về khả năng nới lỏng ở Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, trong khi những rủi ro lạm phát từ việc động nội tệ suy yếu có thể hạn chế các lựa chọn chính sách trong các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Theo đó, Ngân hàng Dự trữ Úc được cho là sẽ bỏ qua cơ hội để nới lỏng thêm tiền tệ tại cuộc họp diễn ra hôm nay, do đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quý II sẽ được công bố vào ngày 27/7 tới, nhưng nhiều khả năng sẽ thực hiện cắt giảm tiếp lãi suất vào tháng 8 để đối phó lại lạm phát thấp và rủi ro Brexit.

Còn với NHTW Hàn Quốc và Malaysia, giới chuyên gia cũng không kỳ vọng sẽ thực hiện nới lỏng tại cuộc họp chính sách tuần tới, song nhiều khả năng các NHTW này cũng sẽ tiết lộ quan điểm chính sách thiên về hướng này của mình.

Tuần trước, Hàn Quốc đã tung ra một gói trị giá 8,5 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc Brexit, tạo thêm dư địa cho NHTW nước này không phải triển khai chính sách kích cầu ngay lập tức.

Sự cố Brexit cũng đã làm mờ đi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên không một nền kinh tế nào mà việc điều chỉnh chính sách lại cấp thiết như Nhật Bản. Việc đồng yên tăng giá rất mạnh khi được xem là một tài sản an toàn để phòng ngừa rủi ro sau sự cố Brexit đang tạo áp lực lớn buộc NHTW Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng kích thích tiền tệ tại cuộc họp ngày 28 đến 29/7 tới.

Chuyên gia kinh tế Neumann của HSBC cho rằng, BOJ khó có khả năng ngồi yên. Thậm chí các quan chức có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối để chặn lại đà tăng nhanh của đồng yên. Song việc nới lỏng thêm tiền tệ cũng là cần thiết để hỗ trợ cho việc làm này.