Bước ngoặt của Marathon

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các thành viên của WTO đã nhất trí về “Gói Bali” – gồm các biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD/năm và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó 18 triệu việc làm ở các nước đang phát triển.

Cái bắt tay đầy thiện ý giữa Tổng giám đốc WTO và Bộ trưởng Thương mại Indonesia khi “Gói Bali” được thông qua. Nguồn: internet
Cái bắt tay đầy thiện ý giữa Tổng giám đốc WTO và Bộ trưởng Thương mại Indonesia khi “Gói Bali” được thông qua. Nguồn: internet

Bước ngoặt lịch sử

Cuộc chạy “Marathon” trong đàm phán thương mại tự do toàn cầu gần 2 thập kỷ qua của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối cùng đã đạt được bước ngoặt quan trọng khi một thỏa thuận đã đạt được ngày thứ bảy tuần trước.

Các thành viên của WTO đã nhất trí về “Gói Bali” – gồm các biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD/năm và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó 18 triệu việc làm ở các nước đang phát triển. Đây được xem là gói thỏa thuận thương mại lớn và quan trọng nhất mà tổ chức này đạt được kể từ khi thành lập vào năm 1995.

“Bước ngoặt lịch sử” là cụm từ đã được ông Roberto Azevedo – người thay thế ông Pascal Lamy cho vị trí Tổng giám đốc WTO từ tháng 9 vừa qua - sử dụng để nói về kết quả của Hội nghị lần này. “Gói thỏa thuận này có thể giúp thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng thêm khoảng 1.000 tỷ USD/năm, tương đương với GDP của Indonesia” – vị Tổng giám đốc WTO cho biết.

“Gói Bali” đạt được vào phút cuối của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali, Indonesia ngày 7/12, gồm 10 văn bản, bao trùm các vấn đề từ tinh giản các thủ tục thương mại; cho phép các nước đang phát triển có các lựa chọn phù hợp đối với vấn đề an ninh lương thực; tới thúc đẩy thương mại và phát triển cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất (LDC)…

Một trong những phần chính yếu của “Gói Bali” là việc các nước thành viên nhất trí đơn giản hóa các thủ tục hải quan và thúc đẩy các dòng chảy hàng hóa. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “Gói Bali” sẽ giúp cắt giảm chi phí thương mại toàn cầu từ 10 – 15%, thông qua việc cắt giảm các thủ tục giấy tờ, giảm bớt sự chậm trễ tại biên giới và các ách tắc về vận chuyển.

Riêng các nền kinh tế đang phát triển có thể tiết kiệm được khoảng 445 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, thỏa thuận này cũng từng bước giúp tạo ra lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách tăng dòng chảy thương mại, thu ngân sách và thúc đẩy đầu tư.

Gói thỏa thuận này mang lại luồng sinh khí mới cho WTO, một tổ chức thương mại mà nhiều người cho rằng đã thất bại trong việc thúc đẩy đạt được một thỏa thuận thương mại toàn cầu toàn diện hơn với tên gọi "Vòng đàm phán Doha" (Doha Round). Vòng đàm phán này bắt đầu từ năm 2001 nhưng đạt được rất ít tiến triển, đặc biệt kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vẫn chỉ là sự khởi đầu để kết thúc Doha Round

Ngay trước thềm cuộc họp lần này, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại, nếu hội nghị lần này không đạt được thỏa thuận nào thì sẽ là một đòn giáng mạnh vào hệ thống thương mại toàn cầu. “Nếu hội nghị tại Bali thất bại sẽ là một cú đòn chí tử đối với hệ thống các quy tắc thương mại toàn cầu hiện nay” – quan chức thương mại Karel de Gucht của châu Âu cảnh báo.

Tuy nhiên với việc đạt được “Gói Bali”, ông Roberto Azevedo lạc quan nhìn nhận: “Chúng ta đã đưa thương mại thế giới trở lại với khuôn khổ WTO. Những thỏa thuận mà chúng ta đạt được vừa qua là bước đệm quan trọng để chúng ta hướng tới việc hoàn thành vòng đàm phán Doha trong tương lai”.

Nhưng cùng với đó, ông Roberto Azevedo cũng thừa nhận, đây chỉ là sự mở đầu cho tiến trình kết thúc vòng đàm phán Doha. Tuy vậy, chặng đường đến được đích cuối cùng vẫn còn rất xa, trước mắt trong 12 tháng tới, WTO sẽ phải xây dựng được một chương trình làm việc xác định rõ lộ trình để giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Nghị trình Phát triển Vòng đàm phán Doha, đặc biệt là tập trung vào vấn đề nông nghiệp, các vấn đề của nhóm LDC…

Thất vọng với tốc độ “sên bò” trong các cuộc đàm phán đa phương của WTO những năm gần đây, nhiều nước đã giành ưu tiên hơn cho việc tham gia các hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực để giảm các rào cản thương mại. Đơn cử như Mỹ và EU đang chuẩn bị bắt đầu vòng ba các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào cuối tháng này.

Hay ngay sau hội nghị WTO tại Bali, nhiều quan chức các nước đã bay thẳng tới Singapore vào ngày thứ bảy cuối tuần qua để kịp dự vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay để mở ra các cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại giữa 12 nước thành viên nhưng chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu.

hư có nhà phân tích bình luận, trong khi bị “bao vây” bởi các “núi nợ công” và tăng trưởng kinh tế yếu kém, các chính phủ đã chuyển sang tự do hóa thương mại và xem đây như là một cách "không tốn chi phí" để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Câu hỏi đặt ra lúc này là khi WTO có triển vọng sáng sủa hơn, liệu các nước có cần ưu tiên khuyến khích các hiệp định thương mại song phương và khu vực nữa không? Câu trả lời là vẫn cần và hãy xem các thỏa thuận thương mại đang hoặc sẽ có là sự bổ sung cho nhau vì sự phát triển chung của kinh tế toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia, khu vực.

Theo nghĩa đó, một hệ thống các thỏa thuận thương mại đa phương của WTO sẽ tồn tại cùng lúc với sự bổ sung của các hiệp định thương mại khu vực hoặc song phương.