Các nước quản lý tiền ảo như thế nào?

PV.

Mỗi quốc gia có quy định về quản lý tiền ảo khác nhau nhưng nhìn chung các nước đều khá thận trọng với tiền kỹ thuật số, tiền ảo, hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO), bởi những đồng tiền này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng và thị trường tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có 4 cấp độ quản lý tiền ảo hiện nay đang được các nước thực thi, cụ thể:

Cấm trên diện rộng: Một số quốc gia như: Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… cấm tổ chức/cá nhân giao dịch mua bán, sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác trên lãnh thổ quốc gia.

Cấm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Trung Quốc, Niregia đã ban hành Cảnh báo về rủi ro của đồng Bitcoin, trong đó cấm các tổ chức tài chính sử dụng hay mua bán Bitcoin hay các loại tiền ảo khác.

Chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu và các giao dịch thương mại bằng tiền ảo. Lệnh cấm áp dụng từ tháng 9/2017 đã chấm dứt ngay lập tức các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu trong nước.

Dù Trung Quốc rà soát các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu và giao dịch tiền ảo nhưng nước này không phản đối ý tưởng tiền ảo và đang nghiên cứu phát triển đồng tiền điện tử của riêng mình.

Cảnh báo rủi ro đối với người sử dụng, đầu tư: Các quốc gia như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan… không cấm việc trao đổi và mua bán Bitcoin cũng như các loại tiền ảo và coi đó nhưmột loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tại các quốc gia này cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo và không được Nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xẩy ra.

Chấp nhận như một phương tiện thanh toán: Nhật Bản đã hợp pháp hóa bitcoin như một phương tiện thanh toán từ tháng 4/2017. Theo đó, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) đã sửa Luật các dịch vụ thanh toán, coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán trả trước, hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản, đồng thời cũng coi tiền ảo là tài sản và chịu sự kiểm soát của cơ quan này. Hiện nay, đã có khoảng 10.000 công ty Nhật Bản chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, bao gồm cả hãng hàng không giá rẻ lớn nhất. Nhật Bản cũng đánh thuế tiền ảo từ các doanh nghiệp kinh doanh tiền ảo.

Tuy nhiên, để kiềm chế bớt sự tăng trưởng của một thị trường còn đang khá lộn xộn, mới đây, cơ quan quản lý ngành tài chính Nhật Bản đã yêu cầu 2 sàn kinh doanh tiền ảo bao gồm Bitstation và FSHO ngừng hoạt động trong vòng một tháng và yêu cầu 5 sàn khác tăng cường kiểm soát nội bộ.

Tại Mỹ, đồng tiền ảo Bitcoin cũng đã được công nhận chính thức là một loại hàng hóa cơ bản giống như vàng hay dầu thô từ năm 2015, tuy nhiên, đến nay, các quy định về tiền ảo vẫn đang trong giai đoạn đầu. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua bất kỳ một đạo luật nào đề cập đến tiền ảo một cách trực tiếp.

Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán và ngoại hối Mỹ (SEC) cho rằng, tiền ảo tương đương với chứng khoán theo định nghĩa của cơ quan quản lý liên bang. Do đó, các nền tảng giao dịch cho các loại tiền mật mã phải tuân theo các quy định của liên bang và phải được đăng ký với SEC. Theo SEC, các giao dịch tiền ảo có thể cải thiện bằng cách thực hiện các nguyên tắc tương tự của thị trường chứng khoán.

Hàn Quốc, quốc gia giao dịch tiền ảo lớn thứ ba sau Nhật Bản và Mỹ, đã cấm hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu vào tháng 9/2017 nhưng không cấm giao dịch tiền ảo. Thay vào đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những hướng dẫn quản lý giao dịch tiền ảo theo hướng chặt chẽ hơn từ tháng 1/2018 để ngăn chặn tình trạng giao dịch nặc danh và đưa ra hướng dẫn chống rửa tiền đối với tiền ảo. Nhìn chung, chính phủ Hàn Quốc ủng hộ các giao dịch thông thường đối với tiền ảo.

Tại Nga, Bộ Tài chính Nga đã công bố bản dự thảo luật liên bang vào ngày 25/1/2018 để lấy ý kiến cho việc hợp pháp hóa tiền ảo và cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch được cấp phép. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Chính phủ Nga không công nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán hợp pháp.

Trong khi các nền kinh tế phát triển hành động thận trọng thì các nền kinh tế nhỏ và mới nổi lại tỏ ra khá thân tiện với tiền ảo. Belarus đã hợp pháp hoá tiền ảo và các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu, đồng thời tuyên bố các hoạt động liên quan đến việc tạo và bán token số và đào tiền ảo sẽ được miễn thuế cho đến năm 2023. Campuchia cũng đang tìm cách hợp pháp hóa và quản lý giao dịch tiền ảo như một cách để thúc đẩy tăng trưởng.