Căng thẳng thương mại Mỹ - EU: Cơ hội xuống thang?

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Thủ đô Buenos Aires, Argentina mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, Mỹ sẵn sàng ký thỏa thuận thương mại tự do với EU, đồng thời hối thúc EU và Trung Quốc tôn trọng thương mại tự do, công bằng và đối ứng. Tuyên bố này được xem như sự dịu giọng của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai bên gia tăng thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: ft.com
Ảnh minh họa. Nguồn: ft.com

Washington dịu giọng

Phát biểu với báo giới bên lề sự kiện quy tụ Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong hai ngày 21 - 22/7, ông Mnuchin cho biết, thông điệp ông đưa ra rất rõ ràng, tương tự những gì Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Canada, rằng các nước đồng minh cần dỡ bỏ thuế quan với nhau.

Ông Mnuchin tuyên bố, nếu châu Âu tin vào thương mại tự do, Mỹ sẵn sàng ký thỏa thuận thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng cần bảo đảm ba điều kiện: Châu Âu phải xóa bỏ các thuế quan, rào cản phi thuế quan và biện pháp bảo hộ.

Trước đó, tại phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho rằng, các động thái áp thuế “ăn miếng trả miếng” thời gian qua giữa Mỹ và Trung Quốc cùng một số đồng minh, trong đó có EU không phải chiến tranh thương mại, mà chỉ là bất đồng giữa các bên.

Đây được nhìn nhận là sự xuống giọng của Washington, sau hàng loạt động thái áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và một số đồng minh, trong đó có EU thời gian qua, nhằm “đòi lại công bằng” cho thương mại Mỹ.

Tuyên bố của ông Mnuchin còn nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại phủ bóng lên các phiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20. Tuyên bố chung của hội nghị cảnh báo, tăng trưởng toàn cầu đối mặt với nguy cơ sụt giảm trước sự gia tăng căng thẳng về thương mại và địa chính trị.

EU vẫn chia rẽ

Đề nghị của Mỹ được đưa ra ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đến Washington, bắt đầu từ ngày 25/7, nhằm tìm kiếm cơ hội giải quyết căng thẳng thương mại giữa EU - Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Juncker có thể mở ra cơ hội giúp hai bờ Đại Tây Dương đạt thỏa thuận “đình chiến” về thương mại, trong bối cảnh Washington cảm nhận được “sức nóng” của thỏa thuận tự do thương mại vừa ký kết giữa EU và Nhật Bản, giúp dỡ bỏ thuế lên hàng hóa thương mại giữa hai nền kinh tế, có quy mô gộp lại bằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu.

Bản thân ông Mnuchin cũng thừa nhận, thỏa thuận thương mại EU - Nhật Bản khuyến khích Mỹ tin tưởng vào khả năng khai thông bế tắc trong đàm phán thương mại với EU.

Trước đó, chính quyền ông Donald Trump đã hối thúc EU hạ thấp các rào cản về thuế nhằm đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương. Tuy nhiên, Cao ủy phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstr#m tháng trước cho hay, EU đã sẵn sàng giảm bớt một số rào cản thuế để hợp tác với Mỹ, nhưng các biện pháp áp thuế lên nhôm, thép nhập khẩu của Tổng thống Trump đã đóng sầm cánh cửa đàm phán.

Đáp lại đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thẳng thừng tuyên bố, EU sẽ không cân nhắc đàm phán thương mại với Mỹ khi súng đang chĩa thẳng vào đầu.

Ông Le Maire cho rằng, chiến tranh thương mại đã bắt đầu và yêu cầu Mỹ thay đổi chính sách. Chừng nào Mỹ không rút lại thuế nhập khẩu lên nhôm, thép cũng như cảnh báo áp thuế nhập khẩu lên ô tô, EU sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là trả đũa, ông Le Maire nêu rõ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz thể hiện lập trường mềm mỏng hơn khi kêu gọi các nước bảo đảm chủ nghĩa bảo hộ sẽ không định hình viễn cảnh kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thương mại tự do, cởi mở.

Tuy nhiên, Đại diện của Hội đồng châu Âu tại G20 Hubert Fuchs cho rằng, Liên minh châu Âu và Mỹ cần bước vào các cuộc đàm phán để giải quyết căng thẳng thương mại mà không nêu ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước có thể làm giảm 0,5 điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.