Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Cánh cửa đối thoại

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Hội nghị mùa xuân do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuối tuần qua đã đạt được bước tiến, mở ra cơ hội đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc, Giám đốc IMF Christine Lagarde ngày 21/4 cho biết. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại trước nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn, đe dọa làm ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phủ bóng lên các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính thế giới do IMF và WB tổ chức cuối tuần qua. Trong ngày làm việc 20/4, quan chức tài chính các nước đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại thay vì đơn phương áp đặt các loại thuế, đồng thời cảnh báo mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu.
Phát biểu bên lề hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định, thế giới đang đối mặt với nguy cơ xảy ra chiến thương mại và khả năng sụp đổ của trật tự đa phương, đe dọa làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu. Chỉ trích các chiến lược thương mại của Washington, ông Bruno Le Maire tuyên bố, Pháp sẽ không bị cuốn vào một vụ tranh chấp vô nghĩa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù cho rằng Bắc Kinh cần tôn trọng các nguyên tắc, song Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh, Trung Quốc là bộ phận then chốt của hệ thống thương mại thế giới. Bộ trưởng Tài chính Pháp nêu rõ, cần phải xác định lại thương mại quốc tế với Trung Quốc, thay vì chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, các hoạt động thương mại toàn cầu bất bình đẳng cản trở tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Mỹ và thế giới, và là trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông Mnuchin kêu gọi, IMF nên là một thể chế có tiếng nói mạnh mẽ nhằm hối thúc các thành viên” dỡ bỏ các rào cản thương mại và phi thế quan, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Lâu nay, Mỹ vẫn thường chỉ trích Trung Quốc áp dụng những chính sách bất công bằng về thương mại. Đánh cắp công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ là hai vấn đề chủ chốt châm ngòi cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là cái cớ để Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 đã ban hành mức thuế mới đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ USD.

Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm có tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, bao gồm có đậu tương, xe ô tô và hóa phẩm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cả Washington và Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Không lâu sau tuyên bố của Giám đốc IMF, phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị của IMF và WB, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, đang cân nhắc khả năng sẽ đến Bắc Kinh để tiến hành các cuộc thảo luận về tranh chấp thương mại.

Ông Mnuchin cho biết thêm, ông đã gặp Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương tại các cuộc họp của IMF và WB và thảo luận khả năng Trung Quốc mở cửa thị trường của mình để tăng khả năng cạnh tranh với nước ngoài.

Tuyên bố của ông Mnuchin mở ra cơ hội giải quyết những căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đe dọa làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Trước đó, vào đầu tháng 4, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Larry Kudlow cho biết, sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc để tìm ra giải pháp cho căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước.