Câu chuyện đi hay ở của Anh tại EU

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa bày tỏ quan điểm gây sốc là họ sẵn sàng để Anh rời khỏi EU. Bà Merkel bị cho là lo ngại Anh đang tiếp cận “điểm không trở lại”. Vậy mối tương quan giữa Anh và châu Âu và những cái được và cái mất khi Anh rời khỏi EU?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ít ai ngờ rằng, sau bốn thập niên gắn bó, xứ sở sương mù lại tỏ ra hoài nghi về những lợi ích có được trong Liên minh châu Âu (EU). Và chưa khi nào câu chuyện đi hay ở của nước Anh tại EU lại được nhắc đến nhiều như trong thời gian gần đây.

Kẻ nắn người xoa

Tại cuộc họp ở Brussels ngày 7/11, các Bộ trưởng Tài chính EU đã chấp nhận yêu cầu để Anh được lui thời gian nộp khoản ngân sách trị giá 2,1 tỷ euro (khoảng 2,6 tỷ USD) cho khối này đến tháng 9/2015 thay vì vào ngày 1/12/2014 như ban đầu, đồng thời cho phép nộp làm hai lần số tiền trên mà không bị phạt vì nộp chậm.

Hồi tháng 10 vừa qua EU đã công bố bản tính toán lại những đóng góp của các nước thành viên vào ngân sách chung của khối dựa trên những thay đổi về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này. Theo đó, một số nước phải đóng bổ sung, trong đó có Anh, Hà Lan, Italy và Hy Lạp, trong khi có những nước khác lại được nhận lại tiền từ EU. Hà Lan đã quyết định nộp ngay khoản bổ sung 642 triệu euro vào ngân sách EU.

Những quyết định này phần nào xóa bớt căng thẳng giữa Anh và Đức liên quan đến câu chuyện đi hay ở của Anh tại EU.

Các nước thành viên EU mỗi năm đều đóng góp ngân sách cho cơ quan điều hành là Ủy ban châu Âu (EC) dựa trên GDP và sau đó quyết toán tùy theo mức tăng trưởng kinh tế được quy định từ năm 1995. Năm nay, theo thông báo mới của EC, các nền kinh tế có mức tăng trưởng khá như Anh và Hà Lan lần lượt phải rót thêm 2,1 tỷ euro và hơn 600 triệu euro, trong khi các nước lớn khác nhưng có nền kinh tế “tuột dốc” như Pháp và Đức sẽ lần lượt được hoàn trả gần 1 tỷ euro và 779 triệu euro.

Câu chuyện đi hay ở của Anh tại EU - Ảnh 1

Phủ thủ tướng Anh ngay lập tức tuyên bố sẽ khiếu nại. Chính quyền thủ tướng David Cameron vốn chủ trương thúc đẩy thắt chặt chi tiêu trong EU khó chấp nhận khoản lệ phí phát sinh trên. Năm 1984, chính quyền bảo thủ của cố thủ tướng Margaret Thatcher cũng từng đấu tranh và giành lại số tiền tương đương 3,92 tỷ euro đóng góp.

Nếu đồng ý chi thêm, thủ tướng Cameron sẽ đối mặt với sự chỉ trích từ bên trong đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng cực hữu Ukip. Ukip vốn có quan điểm “bài EU” gần đây giành được ghế trong quốc hội Anh, buộc số 10 phố Downing phải tính đến việc thay đổi chính sách nhằm hạn chế dân nhập cư để mong có thể giành giật với Ukip số cử tri không mặn mà với “mái nhà chung” EU trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm sau, bất chấp phản ứng và chỉ trích của lãnh đạo EC.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao ông Cameron mới đây tuyên bố nếu tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh có nên tiếp tục là một thành viên hay sẽ rời khỏi EU. Và trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Cameron cam kết sẽ thương lượng một thỏa thuận với các đối tác của EU vừa để cải thiện quan hệ với khối này vừa để ông có thể thúc đẩy những sửa đổi điều khoản theo hướng có lợi cho “xứ sở sương mù”.

Bởi ông thừa biết nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra lúc này sẽ không có lợi cho ông. Một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố cho thấy có tới 56% cử tri Anh muốn xứ sở sương mù ở lại EU nếu trưng cầu dân ý về việc Anh tách khỏi “mái nhà chung” EU được tổ chức vào thời điểm này.

Trước những động thái được cho là khá đỏng đảnh của Anh, thủ tướng Đức Angela Merkel vừa bày tỏ quan điểm gây sốc là họ sẵn sàng để Anh rời khỏi EU. Bà Merkel bị cho là lo ngại Anh đang tiếp cận “điểm không trở lại”. Vậy hãy xét mối tương quan giữa Anh và châu Âu và những cái được và cái mất khi Anh rời khỏi EU.

Với Vương quốc Anh

Xét ở một số góc độ, việc rời khỏi EU có thể giúp Anh nhanh chóng đạt được một số lợi ích như: tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của liên minh; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời nước này sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu...

Tuy nhiên, những toan tính của London cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Việc thay đổi mối quan hệ Anh - EU có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa bài châu Âu nhưng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngoại giao của Anh nếu nước này xa rời các đồng minh tại cựu lục địa. Ngoài ra, lập trường không vững vàng của Anh trong vấn đề EU có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài vào Anh.

Điều đó sẽ khiến nền kinh tế xứ sương mù thêm bấp bênh khi mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường EU - vốn chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô coi Anh như là đại bản doanh ở châu Âu chắc chắn sẽ phải xem lại chiến lược hoạt động của mình, kéo theo sự rời bỏ các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính.

Đối với EU

Việc Vương quốc Anh xem xét rút khỏi EU bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong lòng liên minh gồm 28 thành viên này và có thể đẩy EU đi đến chỗ sụp đổ. Tuy nhiên, với việc loại bỏ thành viên khó chịu nhất của mình EU có thể dễ dàng tiến lên phía trước, hướng tới một "liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết".

Một khi không còn quyền phủ quyết của Anh, đồng euro có thể được ổn định một cách dễ dàng hơn. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể trở thành cốt lõi không thể tranh cãi của EU, mở đường cho một liên minh chính trị và kinh tế.

Nếu Anh phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU và đồng euro tiếp tục chật vật thì vị thế của Anh có thể khiến các nước thành viên khác đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu. Còn nếu sau khi rời khỏi EU, Anh gặp phải khó khăn trong khi EU và Eurozone phát triển ổn định thì Anh có thể sẽ lâm vào thế cô lập, với phần còn lại của thế giới tiếp tục quan hệ với một châu Âu thống nhất hơn, nơi vị thế của Anh lúc này sẽ trở nên thấp bé.

Trong khi đó, Mỹ và các siêu cường khác có thể sẽ nhìn nhận sự rút lui của Anh như một dấu hiệu về sự chia rẽ và suy yếu của châu Âu. Sự hợp tác về quốc phòng của châu Âu có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, dù trong khuôn khổ NATO hay trong khuôn khổ EU. EU cũng sẽ phải đối mặt với một nước Anh tuy là một cường quốc suy yếu nhưng vẫn đủ mạnh để có thể tìm kiếm ảnh hưởng đối với sự phát triển của khối này.