Châu Á tiếp tục là nơi đắt đỏ nhất cho người nước ngoài

Theo enternews.vn

Hồng Kông hiện là thành phố đắt đỏ thứ hai trên toàn thế giới dành cho người lao động nước ngoài, theo cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt mới nhất của Mercer, nhường lại vị trí số một cho thủ đô Luanda của Angola.

Hồng Kông hiện là thành phố đắt đỏ thứ hai trên toàn thế giới dành cho lao động nước ngoài. Nguồn: Internet
Hồng Kông hiện là thành phố đắt đỏ thứ hai trên toàn thế giới dành cho lao động nước ngoài. Nguồn: Internet

Các thành phố châu Á tiếp tục thống trị bảng xếp hạng, với 5 thành phố nằm trong tốp 10. Seoul leo từ vị trí thứ 15 lên thứ 6, trong khi Mumbai là một trong những nước có thay đổi nhiều nhất khi tăng 25 bậc lên vị trí 57 do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lạm phát và đồng tiền ổn định. Thủ đô của Ấn Độ New Delhi đứng thứ 99.

Theo sau Hồng Kông, nơi mà gần đây ECA International cũng xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất ở châu Á cho người nước ngoài, là Tokyo (thứ 3), Singapore (thứ 5), Seoul (thứ 6) và Thượng Hải (thứ 8), theo bảng xếp hạng của Mercer, dựa trên một khảo sát được tiến hành vào tháng 3.

"Mặc dù một số thành phố châu Á vẫn nằm trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, những trung tâm tài chính chủ chốt như Hồng Kông và Singapore vẫn tiếp tục thu hút nhân tài và vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những người lao động nước ngoài", Mario Ferraro, phụ trách vấn đề di động toàn cầu của khu vực Châu Á, Trung Đông Và châu Phi tại Mercer, cho biết.

"Mặc dù những dịch chuyển trong năm nay chủ yếu là do biến động tiền tệ, đặc biệt đối với đồng USD, chúng tôi nhận thấy có những thành phố - chẳng hạn như Mumbai – tăng thứ hạng nhờ vào nền kinh tế đang phát triển và cơ hội ngày càng tăng", Ferraro nói.

Hầu hết các thành phố của Trung Quốc đều tụt hạng khi đồng NDT yếu đi so với đồng USD, trong khi đó các thành phố Nhật Bản tăng hạng do đồng yên mạnh hơn, giá cả hàng tiêu dùng cao cho người lao động nước ngoài và "thị trường nhà ở năng động", Nathalie Constantin-Metral, người chịu trách nhiệm biên soạn bảng xếp hạng của Mercer cho biết.

New York City và Bern đã trở lại top 10 trong năm nay, trong khi Bắc Kinh rơi xuống vị trí thứ 11. Zurich và Geneva cũng nằm trong top 10. Việc Luanda leo lên vị trí số 1 được chi phối bởi chi phí hàng hoá và an ninh, Mercer nói.

Cuộc khảo sát hàng năm sử dụng New York làm điểm so sánh cơ bản và bao gồm hơn 400 thành phố trên 5 châu lục, tính toán chi phí của hơn 200 mặt hàng bao gồm nhà ở, vận tải, thực phẩm, quần áo, các mặt hàng gia dụng và giải trí.

Sydney đã tăng 17 bậc lên vị trí thứ 25, bằng với Đài Bắc, trong khi Melbourne và Perth đã rớt xuống cuối tốp 50 do đồng đô la Úc mạnh lên. Moscow và St. Petersburg lần lượt leo lên vị trí thứ 14 và 36, trong khi London giảm 13 bậc xuống vị trí thứ 30 vì đồng bảng Anh suy yếu so với đồng USD sau cuộc bỏ phiếu Brexit.

Theo cuộc khảo sát, thành phố rẻ nhất thế giới dành cho người lao động nước ngoài là Tunis, tiếp đó là thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan và Skopje ở Macedonia.