Châu Âu gặp bế tắc

Theo baoquocte.vn

Nhóm lãnh đạo "bộ tam" chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) - gồm Pháp, Đức, Italy - mong muốn tạo ra "hơi thở mới" cho liên minh này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 22/8, cuộc họp ba bên giữa Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã diễn ra trên đảo Ventotene, ngoài khơi thành phố Napoli (Italy) để bàn về tương lai của EU sau cú sốc Brexit.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cuộc họp lần này mang tính hình thức nhiều hơn nội dung. Ba nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược kinh tế chung và cũng không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về việc đàm phán xung quanh vấn đề Anh rời khỏi EU.

Hy vọng về chương mới của EU

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Anh rút khỏi EU là cơ hội tốt để xây dựng lại một liên minh ổn định và vững mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc gặp gỡ giữa ba nhà lãnh đạo Pháp – Đức - Italy muốn khơi dậy những cội nguồn hình thành EU, tập trung tất cả sức mạnh và ý chí vì tương lai, số phận của liên minh thời hậu Brexit.

Thủ tướng Renzi chia sẻ: "Chúng tôi tôn trọng quyết định của người Anh nhưng chúng tôi muốn viết chương mới cho tương lai. Châu Âu hậuBrexit sẽ thúc đẩy lại các lý tưởng về thống nhất, hòa bình, tự do".

Tổng thống Hollande đã đưa ra các ưu tiên hàng đầu để khôi phục EU sau khủng hoảng như việc bảo vệ các đường biên giới của EU thông qua lực lượng biên phòng và kiểm soát bờ biển, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên…

Về kinh tế, Thủ tướng Renzi một lần nữa chỉ trích chính sách "thắt lưng buộc bụng" châu Âu của Đức, đồng thời nêu lại những hạn chế của mục tiêu cân bằng ngân sách. Ông Renzi lập luận rằng cần có "biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống nạn thất nghiệp trong giới trẻ".

Tổng thống Hollande nhắc lại lời kêu gọi khôi phục nền kinh tế châu Âu và nhấn mạnh đóng góp của Pháp qua kế hoạch Juncker để thúc đẩy đầu tư (huy động 315 tỷ Euro trong vòng 3 năm, từ 2015-2018). Theo ông Hollande, kế hoạch này không những nên kéo dài mà còn cần phải mở rộng và tăng ngân sách thêm nữa.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel tuy ghi nhận thành quả từ kế hoạch giải quyết vấn đề việc làm của Thủ tướng Renzi và Hiệp ước trách nhiệm của Tổng thống Hollande, nhưng rất thận trọng với những lời kêu gọi về thúc đẩy kinh tế.Bà Merkel nói: "Chúng ta cần một cuộc kiểm tra và suy nghĩ kĩ về điều này".

Trong khi nhấn mạnh sự bất đồng trong chính sách kinh tế giữa các nước trong EU, Thủ tướng Đức muốn đặt trọng tâm vào nhu cầu cải thiện khả năng cạnh tranh ở châu Âu.

Đằng sau vẻ ngoài lạc quan

Thủ tướng Renzi kết thúc hội nghị bằng một khẳng định lạc quan: "Chúng tôi tin rằng châu Âu là nhân tố quan trọng giúp giải quyết các vấn đề của thời đại chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường như vậy, nhưng cần phải có một ước mơ lớn hơn".

Bất chấp những hy vọng về tương lai của châu Âu, sự hoài nghi vẫn nhiều hơn. Theo nhiều chuyên gia, châu Âu có lẽ phải khôi phục Dự án châu Âu, đưa ra những đề xuất và định hướng cụ thể. Việc lặp lại những ngôn từ sáo rỗng không thể loại bỏ được những bất đồng về kinh tế.

Trong vòng chưa đầy một tháng nữa và trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy gia tăng mạnh ở châu Âu, 27 nước thành viên EU sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Bratislava (Slovakia) để thảo luận cách thức thúc đẩy sự năng động của châu Âu.

Hiện nay, EU đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách đe dọa nội bộ liên minh. Căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên có thể đạt tới điểm tan vỡ, không chỉ do vấn đề nhập cư, đe dọa khủng bố, mà còn do bất đồng giữa các nước chủ nợ và con nợ trong khối Eurozone.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ở Pháp, Đức, Italy hiện đang tập trung vào các vấn đề trong nước. Đơn cử ở Italy, sự sụt giảm 10% trên thị trường chứng khoán theo sau Brexit là tín hiệu rõ ràng cho thấy đất nước này dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.

Ngoài ra, chương trình cải cách Eurozone nghiêm túc đòi hỏi phải bao gồm một liên minh ngân hàng thực sự, một liên minh tài khóa hạn chế và những cơ chế mạnh hơn đảm bảo trách nhiệm dân chủ. Trong khi đó, thời gian lại không ủng hộ châu Âu, nhất là khi áp lực bên ngoài từ những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa lục đục chính trị trong nội bộ châu Âu.