Châu Âu thông qua biện pháp ngắn hạn để giải quyết nợ Hy Lạp

Theo TTXVN

Ngày 5/12, Bộ trưởng Tài chính 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) nhóm họp tại Brussels đã nhất trí thông qua một số giải pháp mang tính ngắn hạn và có thể được thực thi rất nhanh để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp, dựa trên đề xuất của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

Châu Âu thông qua biện pháp ngắn hạn để giải quyết nợ Hy Lạp. Nguồn: Internet
Châu Âu thông qua biện pháp ngắn hạn để giải quyết nợ Hy Lạp. Nguồn: Internet

Dự kiến, với các giải pháp được thông qua, gánh nặng nợ Hy Lạp có thể giảm nhiều tỷ euro và thời hạn trả nợ được kéo dài tới tận năm 2060.

Chương trình ESM đề xuất không áp dụng việc tăng lãi suất 2% kể từ 2017 theo 2 kế hoạch lần trước đối với một phần khoản nợ. ESM cũng gợi ý kéo dài trả nợ từ 28 năm lên 32,5 năm sau khi các chủ nợ không phải cung cấp khoản cho vay để vực dậy lĩnh vực ngân hàng của Hy Lạp vì ngành này không quá yếu như người ta vẫn tưởng.

Cuối cùng ESM đã nghiên cứu việc thay đổi chính sách phát hành trái phiếu nhằm hạn chế chi phí về lãi suất cho Athens trong trường hợp mặt bằng lãi suất tăng cao, khi mà hiện nay đang rất thấp.

Eurogroup cho biết các biện pháp được dự kiến từ tháng 5 vừa qua gồm các cải cách mang tính kỹ thuật về tỷ lệ lãi suất và kỳ hạn thanh toán của một số khoản nợ đã có tác động tích cực về khả năng đảm bảo nợ của Hy Lạp.

Hiện nợ công Hy Lạp đã chạm mức 180% GDP bất chấp ba chương trình hỗ trợ tài chính liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) triển khai từ năm 2010.

Từ nhiều tháng nay, IMF và Eurogoup đang mắc kẹt trong cuộc tranh cãi về cách thức giúp Hy Lạp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội kéo dài sáu năm qua. IMF ủng hộ một giải pháp nhanh chóng và mang tính quyết định về khoản nợ, nếu không họ sẽ từ chối việc tham gia tài trợ cho giai đoạn 3 với số tiền 86 tỷ euro.

Ngược lại, Eurogroup không đạt được thỏa thuận với Hy Lạp về thúc đẩy các cải cách để đổi lấy kế hoạch tài trợ. Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem đánh giá hiện Hy Lạp còn nhiều việc phải giải quyết, đặc biệt là vấn đề cải tổ thị trường việc làm.

Trong khi đó, Đức, nhà tài trợ lớn nhất trong Eurogoup thì muốn để đến 2018 mới giải quyết tận gốc rễ số nợ, tức là sau cuộc bầu cử quốc hội nước này dự kiến vào tháng 9/2017.