Chạy đua thế chỗ London

Theo thoibaonganhang.vn

Sự kiện người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và khiến thị trường tiền tệ, đặc biệt là đồng Bảng Anh chao đảo.

Nhiều thành phố lớn ở châu Âu đang chạy đua để trở thành trung tâm tài chính khi Anh rời EU. Nguồn: internet
Nhiều thành phố lớn ở châu Âu đang chạy đua để trở thành trung tâm tài chính khi Anh rời EU. Nguồn: internet

Một trong những mối quan tâm chính hiện nay là tương lai của London – một thủ đô tài chính và công nghệ của châu Âu – sẽ ra sao? Nhiều công ty toàn cầu cho biết họ có thể sẽ phải di chuyển một số hoạt động ra khỏi London để bảo vệ vị thế thuộc Khối EU của họ. Và trong bối cảnh đó, rất nhiều thành phố ở châu Âu đang xếp hàng dang tay chào đón các DN tới đặt trụ sở.

Từ tài chính

Frankfurt (Đức): Thành phố này đang háo hức chào đón các NH “chạy trốn” khỏi London. Đây cũng là thành phố nơi đặt trụ sở của NHTW châu Âu (ECB), NHTW Đức (Bundesbank) và Cơ quan Bảo hiểm châu Âu.

Theo quy định của EU, các NH và công ty bảo hiểm có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên toàn EU nếu họ thiết lập hoạt động tại một trong các nước thành viên. Trước nay sự lựa chọn tập trung ở London nhưng sau sự kiện Brexit, Frankfurt hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về việc trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Đáng chú ý là ngay sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU thì Frankfurt Main Finance – cơ quan đóng vai trò thúc đẩy Frankfurt trở thành trung tâm tài chính khu vực – đã đưa ra tuyên bố khẳng định: "Frankfurt được trang bị đầy đủ để trở thành một trung tâm tài chính ổn định và sẵn sàng cho các tổ chức tài chính muốn tìm kiếm một cơ sở mới cho các hoạt động của mình tại châu Âu".

Bên cạnh đó, Frankfurt cũng thường xuyên nằm trong số những thành phố có tiêu chuẩn sống cao nhất châu Âu và thế giới. Theo khảo sát năm 2016 của Mercer thì Frankfurt đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các thành phố lớn “đáng để sống”, và vị trí này thậm chí còn cao hơn cả London, Paris và New York.

Luxembourg: Nói đến tài chính và NH thì đây là thành phố có ưu thế vượt trội. Hiện đây đã là “quê hương” của 143 NH với tổng tài sản lên tới 800 tỷ Euro (885 tỷ USD). Các NH cũng có thể bị cuốn hút bởi cộng đồng công dân quốc tế đang sống và làm việc tại Luxembourg khi có tới gần một nửa trong số 563.000 cư dân tại đây là người nước ngoài.

Luxembourg cũng là nơi đặt trụ sở tại châu Âu của một số tập đoàn toàn cầu lớn, trong đó có những tên tuổi như Paypal, Skype hay Delphi. Các công ty đa quốc gia bị miền đất này thu hút bởi các mức thuế DN thấp.

Paris (Pháp): Không chỉ được coi là kinh đô ánh sáng, thời trang và văn hóa của châu Âu mà thủ đô của Pháp cũng là một trung tâm tài chính của khu vực. Hiện các công ty dịch vụ tài chính đóng đô ở Paris đang quản lý khối lượng tài sản có tổng trị giá tới khoảng 2,6 nghìn tỷ Euro (theo số liệu của Chính phủ Pháp).

Đây cũng là nơi Euronext, sàn chứng khoán lớn thứ 2 của châu Âu đặt trụ sở (chỉ đứng sau sàn London về khối lượng giao dịch và giá trị thị trường). Paris cũng là nơi tập trung trọng điểm của thị trường trái phiếu. Các DN có trụ sở ở Paris hiện chiếm gần 35% tổng số lượng phát hành trái phiếu tại khu vực đồng Euro.

Tuy nhiên, nhiều công ty quốc tế cũng có thể chỉ là bất đắc dĩ phải thiết lập các hoạt động quy mô lớn ở Paris bởi luật bảo vệ người lao động rất mạnh và nghiêm ngặt của Pháp.

Đến công nghệ

Dublin (Ailen): Trước nay thành phố này đã được sánh với London với tư cách là một trung tâm công nghệ lớn của châu Âu. Google, Facebook, Dropbox hay Twitter đã thiết lập trụ sở tại châu Âu của họ ở đây. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Dublin và thành phố này có thể sẽ thu hút được một số NH. Theo Trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế của thành phố này, hiện hơn 50% các công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới đã có các công ty con hiện diện tại đây.

Berlin (Đức): Đây được xem là thỏi nam châm khổng lồ thu hút các tài năng công nghệ trẻ, nhờ cảnh quan văn hóa hấp dẫn cũng như giá thuê văn phòng rẻ. Thành phố này cho biết, cứ mỗi 20 phút lại có thêm một DN khởi nghiệp được thành lập tại đây. Có thể nói tới câu chuyện thành công từ thành phố này của các công ty như Zalando, SoundCloud, Wooga hay Delivery Hero.

Một thông tin đáng chú ý là có tới hơn 2/3 số vốn đầu tư vào Đức năm 2015 đã chảy vào Berlin. Năm 2014, Google và Lufthansa đã ra mắt “Nhà máy Berlin”. Đây là một khuôn viên công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các DN khởi tại đây.

Amsterdam (Hà Lan): Đây là thành phố đang nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu châu Âu và họ cũng đang kỳ vọng sẽ được chào đón ngày càng nhiều hơn các công ty đang tìm kiếm thiết lập trụ sở mới tại khu vực. Netflix, Uber và Tesla đã thiết lập các văn phòng khu vực của họ tại đây.

Amsterdam Internet Exchange hiện đã trở thành một trong những trung tâm truyền tải dữ liệu lớn nhất thế giới. Tham vọng trở thành một trung tâm tài chính của khu vực chắc chắn cũng là đích hướng đến của thành phố này.

Phó thị trưởng Kajsa Ollongren của Amsterdam gần đây cho biết, một số DN châu Á đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính và có trụ sở tại London đang chuyển sang Amsterdam những tuần gần đây để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho khu vực châu Âu.

Edinburgh (Scotland): Giới chức lãnh đạo Scotland cho thấy mong muốn vẫn được ở lại trong EU với tư cách thành viên, thậm chí nếu điều này phải dẫn đến quyết định là tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để xem có nên tách ra khỏi Vương quốc Anh hay không.

Năm 2014, có tới 55,7% người dân Scotland lựa chọn ở lại Anh (44,7% chọn tách ra). Nhưng tình hình dường như đã nhanh chóng đổi khác sau Brexit. Theo kết quả cuộc khảo sát của Panelbase đăng trên tạp chí The Sunday Times ngay sau sự kiện Brexit, đã có tới 52% người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập trong khi 48% còn lại phản đối điều này.

Tại Vương quốc Anh, Edinburgh hiện là trung tâm tài chính lớn thứ hai chỉ sau London và đây cũng là ngôi nhà quen thuộc của nhóm các công ty quản lý tài sản. Royal Bank of Scotland (RBS) cũng đặt trụ sở tại đây.