Chỉ số đo sức mạnh đô la Mỹ là gì?

Theo gafin.vn

US Dollar Index là chỉ số đo sức mạnh của đô la Mỹ (USD) so với 6 đồng tiền chủ chốt khác.

US Dollar Index - Chỉ số đo sức mạnh của đô la Mỹ(USD). Nguồn: internet
US Dollar Index - Chỉ số đo sức mạnh của đô la Mỹ(USD). Nguồn: internet

US Dollar Index là một chỉ số tương tự như chỉ số VN Index của thị trường Việt Nam, hay chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ US Dollar Index là một chỉ số dùng để đo giá trị đồng USD trên thị trường thế giới.

Đây là một chỉ số được tính theo trọng số, nghĩa là các thành viên cấu tạo nên chỉ số này có một giá trị trọng số khác nhau. Sự lên xuống của từng thành viên trong chỉ số này có ảnh hưởng ít nhiều vào sự lên xuống của chỉ số. Chỉ số được cấu tạo gồm 6 thành viên chính là các đồng: Euro (EUR), yên Nhật (JPY), bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), kronor Thụy Điển (SEK), franc Thụy Sỹ (CHF).

Tiền của 17 quốc gia thuộc khu vực đồng euro cộng thêm tiền của 5 quốc gia còn lại tạo nên chỉ số US Dollar Index. Đây là các quốc gia có một nền giao thương khá mạnh với Mỹ. Thêm vào đó, họ là những quốc gia có một thị trường trao đổi hối đoái khá phát triển, với chỉ số phân lời (market rate) được định đoạt bởi lực cung cầu của thị trường.

Ngoài ra, các đồng tiền này cũng là các đồng tiền làm chuẩn cho các đồng tiền khác trên thế giới. Mặc dù các đồng khác không được liệt kê rổ tiền tệ của US Dollar Index, nhưng khi đi kèm các đồng tiền thành viên của US Dollar Index thì sự lên xuống của chỉ số phản ánh một cách khá chính xác vào lực cung cầu của USD trên thương trường thế giới.

Chỉ số này được cấu tạo vào tháng 3/1973 khi các cường quốc kinh tế của thời đó đồng ý thả nổi đồng tiền của mình. Giá trị khởi đầu của chỉ số được tính là 100. Giá trị hiện thời của chỉ số này là một sự so sánh với con số 100 lúc đầu. Ví dụ, hôm nay chỉ số US Dollar Index là 80 thì có nghĩa là giá trị của USD hôm nay chỉ còn có 80% so với giá trị của 34 năm về trước.

Cách tính tỷ trọng của các đồng tiền trong US Dollar Index được lựa chọn trên số hàng hóa xuất nhập cảng giữa hai quốc gia và, quan trọng hơn nữa, là sự trao đổi hối đoái (foreign exchange) của hai đồng tiền. Bởi vì nếu một trong hai đồng tiền đó yếu đi thì sẽ làm chênh lệch số hàng hóa xuất nhập cảng.

Số hàng hóa này dưới mặt các kinh tế gia thì không phải đơn giản là hàng hóa xuất nhập, mà là khả năng cạnh tranh kinh tế của một quốc gia. Khả năng này càng cao thì giá trị của đồng tiền thành viên càng lớn. Bởi thế khả năng cạnh tranh kinh tế của một quốc gia so với Mỹ là điểm chính yếu trong việc quyết định con số tỷ trọng. Và khả năng cạnh tranh kinh tế này phần lớn dựa vào số hàng hóa trao đổi và giá trị tương ứng của hai đồng tiền. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc luôn phá giá nhân dân tệ để tạo lợi thế cạnh tranh kinh tế.