Chiến thắng của Donald Trump hay đại họa cho nước Mỹ

Theo Trí thức trẻ

Nếu Donald Trump đắc cử, Đảng Công Hòa và toàn nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một thảm họa mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong suốt 160 năm lịch sử, Đảng Cộng Hòa đã xóa bỏ nạn nô lệ, bỏ phiếu thông qua Luật Dân Quyền và góp phần kết thúc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, tình hình sáu tháng tới của Đảng Cộng Hòa lại không mấy sáng sủa.

Sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại Indiana, ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đã được định đoạt. Đó chính là người đã tuyên bố rằng sẽ trừ khử toàn bộ gia đình của tội phạm khủng bố, cổ vũ bạo lực và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những chính sách mù kinh tế ảo diệu và tự làm hại chính mình.

Nếu Trump thực sự trở thành tổng thống, thì Đảng Cộng Hòa và nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một tai họa mới. Ngay cả khi không đắc cử, Trump cũng đã, đang và sẽ gây ra nhiều thiệt hại trong những tháng tới. Điều khủng khiếp hơn là trong cuộc đua cuối cùng chỉ với hai ứng viên, tỉ lệ chiến thẳng của Trump chắc chắn là lớn hơn 0%.

Không chỉ là một kẻ khoác lác

Cách nhìn nhận thế giới hiện nay của quý ngài Trump xuất phát từ các công trường nơi bố của ông làm việc tại New York trong những năm 60. Trump luôn thích kể những câu chuyện làm việc trên các công trường vào mùa hè, bên cạnh các thợ mộc và những người công nhân vác các cột giàn giáo khổng lồ.

Với Trump, những trải nghiệm này đã giúp ông hiểu biết thêm về những lo lắng, vất vả của giới công nhân, những người thường bị bỏ rơi trong chính trường Mỹ. Đây cũng là lý do đằng sau chủ nghĩa dân tộc về kinh tế ăn sâu trong tư tưởng của Trump.

Trong nhiều thập kỷ, Trump luôn phản đối các thỏa thuận thương mại. Ông phản đối NAFTA đầu những năm 90, và đến nay, vẫn coi đó là hiệp định thương mại thất bại nhất trong lịch sử thế giới. Tương tự, Trump luôn cho rằng tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ chính là bằng chứng cho tình trạng chơi xấu và kỹ năng đàm phán yếu kém.

Với những định kiến như vậy, nếu Trump đắc cử, các thỏa thuận thương mại sẽ biến thành thảm họa, còn các công ty của Mỹ sẽ phải chuyển sản xuất về trong nước hoặc tiếp tục sản xuất tại nước ngoài và phải chịu thuế quan.

Trump là một con người bảo thủ, chứ không phải là một người biết nắm bắt cơ hội. Và dựa theo kết quả bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng Hòa, ít nhất 10 triệu cử tri đồng tình với quan điểm của Trump.

Về chính sách ngoại giao, quý ngài Trump đã khiến nhiều người phẫn nộ khi đề cao vai trò toàn cầu của Mỹ với mong muốn các nước khác sẽ e sợ và tôn trọng Mỹ. Các nước đồng minh cần phải trả tiền để Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự và trang bị vũ trang cũng như trả lương cho quân đội của mình trên lãnh thổ của những quốc gia này.

Quan điểm của Trump không hoàn toàn là cô lập nước Mỹ vì Trump cũng đã đề xuất một vài chính sách ngoại giao khác như đóng quân tại Iraq và tịch thu các mỏ dầu của nước này. Tuy nhiên đây giống như tầm nhìn của người La Mã về chính sách ngoại giao, trong đó, nhiệm vụ của toàn thế giới là đóng góp cho thủ phủ và biết ơn sự bảo hộ của thủ phủ này.

Tính toán thiệt hại

Với những ai tin tưởng vào lợi ích của toàn cầu hóa và trật tự tự do do Mỹ khởi xướng, nước Mỹ do Trump đứng đầu quả là đáng sợ. May thay, quý ngài Trump có khả năng sẽ thất bại trong cuộc bầu cử chung.

Một ứng cử viên không nhận được sự ủng hộ từ hai phần ba dân số Mỹ sẽ khó có thể giành được 65 triệu phiếu và trở thành người chiến thắng. Tỉ lệ phụ nữ phản đối Trump thậm chí còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, dù không đắc cử vào tháng mười một, việc Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng Hòa cũng sẽ gây ra nhiều thiệt hại. Có thể sẽ có bạo động tại hội nghị của Đảng Cộng Hòa tại Cleveland giữa những người ủng hộ và phản đổi Trump.

Và trong vòng 6 tháng tiếp theo, các cử tri sẽ phải nghe đi nghe lại điệp khúc bà Hilary Clinton, đối thủ của Trump trong Đảng Dân Chủ, là một kẻ dối trá. Ngay cả khi bà Hilary chiến thắng, tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục.

Các nước đồng minh của Mỹ sẽ phải lo lắng theo sát cuộc bỏ phiếu và e ngại từ nay đến ngày 8/11, liệu bóng ma của ngài Trump sẽ lảng vảng trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hay trong tọa đàm song phương tại Bắc Kinh.

Một Đảng Cộng Hòa luôn cứng cỏi có thể sẽ gục ngã. Ngay cả khi Trump thất bại, ông ta vẫn sẽ chứng minh được rằng những người theo thuyết sinh đắc (tức là người trong nước trội hơn người nước ngoài) và chủ nghĩa dân túy kinh tế hoàn toàn có thể ứng cử tổng thống. Và vì đã có Trump tiên phong, khả năng chiến thắng của những người theo sau là hoàn toàn có thể.

Và đương nhiên, Trump hoàn toàn có khả năng chiến thắng. Bà Clinton cũng không được nhiều người Mỹ ủng hộ. Tỉ lệ không ủng hộ bà cao hơn rất nhiều so với những ứng cử viên khác.

Giống như cuộc khủng bố tại Paris vào tháng 12 năm ngoái, bất cứ cuộc khủng bố nào đe dọa tới người dân Mỹ đều sẽ tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch của Trump. Đó là lý do vì sao Trump vẫn còn khả năng chiến thắng.

Tuy nhiên, theo tạp chí Economist, nếu ngài Trump đắc cử, đó sẽ là mở đầu cho bi kịch của Đảng Cộng Hòa, cho nước Mỹ và toàn thế giới.