Chim dodo hóa phượng hoàng

Theo cafef.vn

(Tài chính) Các công ty đa quốc gia – vốn từng được nhìn nhận là đứng bên bờ “tuyệt chủng” – đang phát triển mạnh mẽ và “sải rộng đôi cánh” trên phạm vi toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
* Chim dodo là loài chim có họ hàng với bồ câu và đặc hữu cho vùng đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương. Loài này bị tuyệt chủng khoảng nửa sau thế kỉ 17. Nó thường được dùng là biểu tượng cho một loài vật tuyệt chủng vì sự tuyệt chủng của nó xảy ra trong lịch sử mà con người ghi nhận được, và do sự tác động trực tiếp từ hành vi con người.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith từng nói sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia có thể nhanh chóng bị phá hủy bởi sự vụng về của người lãnh đạo. 

Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với một số loại hình kinh doanh. Từ nhiều thập kỷ nay, không ít chuyên gia nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp đã từng dự báo về cái chết của các tập đoàn. Thị trường chứng khoán áp dụng quy tắc giảm giá đối với cổ phiếu của các tập đoàn. Nhà đầu tư lập luận rằng tập trung vào một vài công ty chuyên sâu sẽ tốt hơn so với một công ty đơn lẻ nhưng hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Các chuyên gia cũng sử dụng những tính từ như “phình to” và “khó kiểm soát” khi viết về mô hình tập đoàn.

Dẫu vậy, ở khắp mọi nơi, các tập đoàn vẫn hùng mạnh. 

Sự tương phản giữa lý thuyết và thực tiễn buộc người ta phải nghĩ lại. Số ra tháng 12 của tạp chí Harvard Business Review bình luận vấn đề này với tiêu đề “Why Conglomerates Thrive (Outside the US)” (tạm dịch: Tại sao các tập đoàn hùng mạnh?). Số tháng 9 của Journal of Corporate Finance có bài viết “Conglomerates on the Rise Again?” (tạm dịch: Các tập đoàn một lần nữa trỗi dậy?). The Journal of Financial Economics và Strategic Management Journal cũng có bài viết về vấn đề này. 

Các tập đoàn nằm ở trung tâm của “phép màu” châu Á. Theo tính toán của hãng tư vấn McKinsey, trong 1 thập kỷ qua, các tập đoàn chiếm tới 80% trong số 50 công ty có doanh thu lớn nhất ở Hàn Quốc. Lợi nhuận của bộ phận này cũng tăng trưởng trung bình 11%/năm. Ở Ấn Độ, các tập đoàn chiếm 90% trong số 50 công ty có doanh thu lớn nhất (không tính các tập đoàn nhà nước) và có doanh thu tăng trưởng trung bình 23%/năm. 

Trong khi đó, các tập đoàn trở thành một hiện tượng nhất thời ở các thị trường mới nổi. Bộ phận này trở nên hùng mạnh bởi các doanh nghiệp cần bù đắp cho sự yếu kém của các thị trường nội địa. Hơn thế, các tập đoàn thậm chí đã tỏ ra vượt trội so với những đối thủ cạnh tranh vốn chỉ tập trung vào một lĩnh vực. Hàn Quốc và Singapore đã gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế phát triển và các tập đoàn vẫn hùng mạnh. Tập đoàn khổng lồ Tata Group của Ấn Độ đã thành công ở cả các nước phát triển.

J. Ramachandran – chuyên gia đến từ Indian Institute of Management Bangalore – nhận định các tập đoàn có được lợi thế mà một doanh nghiệp thông thường không thể có. Họ có thể kết hợp ý tưởng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Nhà máy lọc nước giá rẻ của Tata có thể hợp tác với các chuyên gia từ công ty tư vấnTata Consulting Services và công ty hóa chất Tata Chemicals. Các bộ phận cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau trong những thương vụ đầu tư mạo hiểm. 

Môi trường kinh tế toàn cầu bắt đầu xấu đi kể từ những năm 1960 và điều này cũng có nghĩa là chỉ những tập đoàn phù hợp nhất mới có thể tồn tại. Khả năng thích nghi là vấn đề mấu chốt. Tuần trước, GE đã thực hiện bước mới nhất trong quá trình tái cấu trúc bằng cách mua lại 3 công ty dược phẩm. Dưới sự dẫn dắt của Warren Buffett và được tài trợ bởi lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm, Berkshire Hathaway – vốn xuất thân từ một công ty dệt – đã tham gia vào nhiều mảng, từ đường sắt cho tới báo chí.

Ở thị trường mới nổi, các tập đoàn phương Tây được hưởng lợi thế mà các doanh nghiệp đơn ngành thiếu hụt. Các tập đoàn của Pháp thường sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào để ngăn cản đối thủ cạnh tranh bước vào thị trường. Các tập đoàn cũng đã hoạt động khá tốt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Cổ phiếu của các tập đoàn ở châu Á – Thái Bình Dương tăng giá trong thời kỳ khủng hoảng. Trong bối cảnh thiếu vốn và nền kinh tế biến động mạnh, các tập đoàn thích ứng khá tốt. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi chú chim dodo đều có thể hóa thân thành phượng hoàng. Một số tập đoàn (đặc biệt là ở Đông Nam Á) phụ thuộc quá nhiều vào các chính trị gia và gặp phải rủi ro khi chế độ thay đổi hoặc nước đó thực hiện cải cách. Rất nhiều tập đoàn vẫn hi sinh lợi nhuận để đổi lấy thị phần, và chắc chắn một ngày nào đó các cổ đông sẽ mất kiên nhẫn. 

Các tập đoàn ở khắp nơi trên thế giới cũng hoàn toàn khác nhau. Tata có cơ cấu tổ chức khác biệt hoàn toàn so với GE, và cả hai không giống với Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các tập đoàn này xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp: hầu hết các tập đoàn ở thị trường mới nổi đã được điều hành tốt hơn nhiều so với 1 thập kỷ trước. Trong quá khứ, người ta cho rằng công ty chỉ nên tập trung vào một hoạt động đơn lẻ và đó là mô hình hiệu quả nhất. Rõ ràng là điều này không chính xác.