Chứng khoán Mỹ: Tuần của những kỷ lục

Theo gafin.vn

(Tài chính) Tuần qua, các nhà đầu tư đã được chứng kiến không khí tưng bừng trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi các kỷ lục mới liên tục được thiết lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mặc dù ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq trong phiên 27/12 giảm nhẹ so với phiên 26/12, nhưng ba phiên trước đó các chỉ số chứng khoán Mỹ đã liên tiếp phá kỷ lục trong một tuần ngắn ngủi (do thị trường đóng cửa nghỉ lễ). Lý giải cho sự đi xuống của chứng khoán Mỹ phiên 27/12, Peter Cardillo - chuyên gia kinh tế thị trường tại Rockwell Global Capital - cho rằng hoạt động mua vào đã bị đẩy lên hơi quá và thị trường cần "nghỉ ngơi".

Từ trước tới nay, thị trường chứng khoán thường lên giá khi bước vào khoảng thời gian giữa Giáng sinh và kỳ nghỉ Năm Mới. Nhà đầu tư gọi đây là hiện tượng "phục hồi Santa Claus", do tâm lý vui vẻ ở Phố Uôn. Năm nay, vào đúng thời gian này, thị trường lại nhận được thêm những thống kê kinh tế sáng sủa. Và tất cả các yếu tố trên đã đem đến một tuần bùng nổ cho chứng khoán Mỹ. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 29%.

So với tuần trước đó, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tuần qua tăng 257,27 điểm (1,59%) lên 16.478,41 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng kết thúc một tuần với mức tăng 23,08 điểm (1,27%), lên 1.841,4 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 51,85 điểm (1,26%) lên 4.156,59 điểm.

Theo thống kê, tháng 11/2013 là tháng thứ hai liên tiếp chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng. Kinh tế Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu vui: doanh số bán nhà mới, lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền và số đơn mới xin trợ cấp thất nghiệp đều khả quan hơn tiên lượng. Jack Ablin, phụ trách đầu tư tại BMO Private Bank, đánh giá những thống kê này "thực sự rất khích lệ". Tóm lại, theo chuyên gia này, toàn bộ các yếu tố đem đến sự phục hồi cho chứng khoán đều "sẵn sàng". Những con số "sạch đẹp" trên xuất hiện sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình trong bối cảnh "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một cải thiện.

Jack Ablin nhận định đường đi của chứng khoán năm 2014 sẽ phụ thuộc vào tình hình thu nhập của khối doanh nghiệp. Trong năm 2013, cho dù thu nhập của doanh nghiệp trì trệ, chứng khoán vẫn lên giá vì nhiều công ty giảm chi phí để duy trì lợi nhuận. Nhưng giải pháp này nếu tiếp tục áp dụng cho năm 2014 sẽ không đủ. Chuyên gia Jack Ablin dự báo: Mặc dù chứng khoán vẫn còn cơ hội để tiếp tục tăng, nhưng mức tăng của năm 2014 sẽ không mạnh như năm 2013.

Các chuyên gia phân tích dự báo chứng khoán Mỹ tuần tới khá "yên ả", khi kỳ nghỉ Năm Mới đã cận kề. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng đang để mắt dõi theo một số thống kê kinh tế, trong đó đặc biệt phải kể đến chỉ số giá nhà của Case-Shiller và báo cáo của Conference Board về lòng tin tiêu dùng.
Không khí náo nhiệt trên các sàn chứng khoán thế giới sau kỳ nghỉ Giáng sinh đã kéo các chỉ số chứng khoán của Đức và châu Âu tăng điểm.

Chỉ số DAX của sàn Frankfurt (Đức) lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt ngưỡng 9.500 điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 27/12, chỉ số DAX ở mức cao kỷ lục 9.589,39 điểm. Như vậy, chỉ trong hai ngày giao dịch trong tuần, chỉ số chứng khoán trung bình của 30 công ty lớn nhất và có doanh thu cao nhất Đức đã tăng trên 2%.

Trong khi đó, chỉ số MDAX cũng chốt phiên ở mức cao kỷ lục 16.625,72 điểm, tăng 0,81%. Chỉ số TecDAX tăng nhẹ 0,02%, lên 1.164,43 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 1,25 điểm, lên 3.111,37 điểm. Giới chuyên gia dự báo, trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2013 (ngày 30/12), chỉ số chứng khoán của Đức sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới. Không chỉ sàn chứng khoán Đức ngập sắc xanh, chỉ số FTSE 100 tại London cũng tăng 0,85%, lên 6.751 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris và FTSE MIB ở Italy đạt mức tăng lần lượt là 1,41% và 1,39%.