Cơ quan cạnh tranh châu Âu “hỏi thăm” BMW, Daimler và Volkswagen

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Các quan chức chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) và Đức mới đây đã đến kiểm tra tại văn phòng của Daimler và Volkswagen, trong giai đoạn EU đang tiến hành điều tra đối với cáo buộc có hành vi thông đồng về công nghệ diễn ra âm thầm trong ngành công nghiệp ô tô Đức suốt nhiều thập kỷ qua.

Daimler và Volkswagen bị cáo buộc thông đồng về công nghệ. Nguồn: Internet
Daimler và Volkswagen bị cáo buộc thông đồng về công nghệ. Nguồn: Internet

Trước đó, vào tháng 7, cơ quan giám sát cạnh tranh EU từng tiết lộ một số nhà sản xuất ôtô Đức bị nghi ngờ “đi đêm” với nhau để làm giá trên thị trường dầu diesel, cùng nhiều hành vi sai phạm khác. 

Tự đi tìm chứng cứ

Chỉ vài ngày sau khi “hỏi thăm” BMW, điều tra viên của EU đã đến làm việc với trụ sở chính của Volkswagen (VW) ở Wolfsburg và các văn phòng của Audi tại thành phố Ingoldstadt, miền nam nước Đức. 
Daimler cũng đón một đoàn đến xem xét tài liệu hồ sơ tại hội sở ở Stuttgart. Theo thông tin từ đại diện hai doanh nghiệp này thì đó đều là những cuộc kiểm tra “có báo trước”.

Vụ việc được nhen nhóm cách đây 3 tháng, khi tờ Der Spiegel của Đức có bài viết cho rằng VW, Daimler và BMW có thể đã tranh thủ các cuộc họp thường kỳ của ủy ban công nghiệp ôtô nước này từ những năm 1990, để thỏa thuận với nhau kích thước thùng đựng AdBlue, một loại chất lỏng dùng để trung hòa các chất gây ô nhiễm trong khí thải của động cơ diesel và dàn xếp một số vấn đề khác liên quan đến công nghệ, chi phí, nhà cung cấp cũng như chiến lược hoạt động.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) cũng xác nhận đã cùng với các quan chức chống độc quyền của Đức đến gặp một số nhà sản xuất ôtô ở nước này, nhưng không nêu đích danh. 

EC từ chối cung cấp chi tiết về cuộc điều tra, mà chỉ nói chung chung rằng “các hãng sản xuất ôtô Đức có thể đã vi phạm quy tắc chống độc quyền của EU, ngăn cấm các hoạt động cấu kết trong kinh doanh”. 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định việc đến gặp doanh nghiệp chỉ là bước đầu tiên của quá trình điều tra và không có nghĩa là doanh nghiệp đó có hành vi vi phạm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, các điều tra viên không phải lúc nào cũng cần đến tận văn phòng của doanh nghiệp để thu thập tài liệu, nếu doanh nghiệp có thiện chí nộp đầy đủ thông tin. 

Không loại trừ khả năng tài liệu mà VW và Daimler đã giải trình trước đó có những điểm thiếu nhất quán và không thuyết phục, nên cơ quan điều tra mới phải đến tận nơi để tự tìm hiểu.

Còn nhớ, vào tháng 9 vừa rồi, Ủy viên EU về bảo đảm cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết, nhân viên của bà đang kiểm tra xem liệu “mối quan hệ hợp tác hợp pháp” giữa các công ty xe hơi Đức có đang che lấp một thỏa thuận ngầm nào đó hay không. 

Trước đó, vào tháng 7, cơ quan giám sát cạnh tranh EU từng tiết lộ một số nhà sản xuất ôtô Đức bị nghi ngờ “đi đêm” với nhau để làm giá trên thị trường dầu diesel, cùng nhiều hành vi sai phạm khác.

Án phạt không hề nhẹ

Theo tờ Der Spiegel, BMW, VW và Daimler đã hợp tác với nhau trong rất nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, bao gồm kích thước thùng chứa AdBlue như đã đề cập ở trên. 

Hơn 200 cán bộ nhân viên của 3 công ty đã tham gia vào 60 tổ công tác khác nhau để cùng phối hợp trong các lĩnh vực như nghiên cứu phát triển, động cơ xăng và diesel, phanh và truyền động.

Việc các nhà sản xuất ôtô Đức thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhau không phải là chuyện gì mới mẻ hay bất thường, nhưng doanh nghiệp nào bị phát hiện vi phạm các quy định của EU về dàn xếp, cấu kết sẽ có thể nhận án phạt tương đương tới 10% doanh thu toàn cầu của hãng đó.

Trong số những lần hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức có thương vụ BMW, Mercedes và Audi mua lại công ty bản đồ số HERE (từng là công ty con của Nokia) và thành lập liên doanh để đầu tư hàng nghìn trạm xạc điện trên khắp châu Âu, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện. 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp xe hơi thế giới liên tiếp đón nhận scandal và hàng tỷ euro tiền phạt ở cả hai bờ Đại Tây Dương liên quan đến lỗi sản phẩm như túi khí, phanh, hệ thống đèn, bộ làm mát, vòng bi, nhiên liệu... khiến các doanh nghiệp sản xuất ôtô vừa điêu đứng về tài chính vừa tổn hại nặng nề về thanh danh.