“Cởi trói” cho thị trường để giải quyết thất nghiệp

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ngày 15/10/2014, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo đã trình bày một số những nét chính của dự luật cải cách sắp được công bố vào giữa tháng 12/2014. "Toa thuốc" của bác sĩ Macron để trị dứt ba căn bệnh đã kéo dài nói trên gồm những gì?

Pháp là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao của EU. Nguồn: internet
Pháp là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao của EU. Nguồn: internet

Cởi trói thị trường, ưu tiên hàng đầu của Paris

Thứ nhất, để giải quyết một phần việc làm cho đội ngũ gần 3,5 triệu người thất nghiệp, Bộ trưởng Kinh tế đề nghị “linh hoạt” về luật lao động để cho phép các cửa hàng buôn bán được phép làm việc ngày chủ nhật, đặc biệt là tại các vùng có đông khách du lịch.

Theo quy định hiện nay, ngoài các cửa hàng mua bán thực phẩm, các cửa hàng được phép mở cửa 5 ngày chủ nhật trong một năm. Bộ Kinh tế đề nghị mở rộng điều khoản đó lên thành 12 ngày một năm. Mục tiêu nhằm nâng doanh thu cho các cửa hàng này và khuyến khích tuyển dụng thêm nhân viên.

Đề nghị thứ hai của Bộ trưởng Emmanuel Macron, để tạo nên một động lực mới và khuyến khích cạnh tranh liên quan đến các ngành nghề tự do. Cụ thể là Paris đang chuẩn bị cải tổ ngành dược, đòi giới nha sĩ, bác sĩ, phải minh bạch hóa giá cả và tạo một sự cạnh tranh lớn hơn so với hiện tại giữa các đơn vị trong cùng một ngành.

Đối với giới công chứng viên, nhân viên tòa án, lục sự… Paris dự trù xóa bỏ các ưu đãi độc quyền. Đổi lại nhà nước sẽ hỗ trợ cho các vị bác sĩ, nha sĩ trẻ khi họ mở phòng mạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi giới trong ngành muốn mở hiệu thuốc tây.

Điều khoản thứ ba mà dự luật cải tổ của ông Emmanuel Macron đang hướng tới là tự do hoá các hoạt động của các tuyến xe buýt nội địa trên toàn quốc, mở rộng mạng lưới xe buýt công cộng. Hiện tại, để di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, người dân chỉ có một số những phương tiện như máy bay, xe lửa hay tự túc.

Theo thẩm định của Bercy – Bộ Kinh tế Pháp, biện pháp này sẽ cho phép tạo thêm từ 10.000 đến 16.000 chỗ làm và giúp tiết kiệm được 700 triệu euro một năm cho người tiêu dùng, đem lại thêm khoảng 0,04% GDP cho nước Pháp.

Bao nhiêu người sẽ có việc làm?

Câu hỏi đang được mọi người quan tâm nhất hiện này là chương trình cải tổ kinh tế do Bộ trưởng Emmanuel Macron đề xướng liệu sẽ tạo được thêm bao nhiêu chỗ làm cho người dân, khi biết rằng 10,4% dân số Pháp trong tuổi lao động đang thất nghiệp.

Một chuyên gia ngân hàng được hãng thông tấn AFP trích dẫn ghi nhận: “Nhìn chung việc chính phủ mạnh dạn cải tổ, cho dù đó là những biện pháp không được lòng dân, để đưa kinh tế Pháp thoát khỏi bế tắc hiện này là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên tối đa, các biện pháp cởi trói kinh tế của ông Macron chỉ đem lại thêm 0,5% GDP cho nước Pháp”.

Vẫn theo chuyên gia này, muốn thực sự tháo gỡ những trở lực để phát huy đúng mức tiềm năng tăng trưởng, “Paris cần đi xa hơn nữa trên con đường cải tổ”.

Riêng đối với mục tiêu đảo ngược thế cờ trên thị trường lao động, tạo việc làm cho gần ba triệu rưỡi người đang đăng ký thất nghiệp, báo cáo từ hồi năm 2012 của Cơ quan tài chính IGF dự phóng một khi xóa bỏ thế độc quyền của nhiều ngành nghề, nước Pháp sẽ có thể tạo thêm 120.000 chỗ làm và chỉ trong 5 năm nữa, tổng sản phẩm nội địa của Pháp có triển vọng tăng thêm 0,5% so với hiện nay.

Mỗi năm tại Pháp có thêm 800.000 thanh niên gia nhập đội ngũ lao động và 650.000 người đến tuổi về hưu. Như vậy hàng năm có thêm 150.000 người tham gia thị trường lao động. Để giải quyết việc làm cho số đó, tổng sản phẩm nội địa của Pháp cần tăng tối thiểu là 1,5%. Hiện tại cả cỗ máy kinh tế của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên hiệp châu Âu, chỉ tăng 0,3% - thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu nói trên.

Cấp bách cải tổ thị trường lao động

Sau đề nghị cho các cửa hàng hoạt động thêm vào ngày chủ nhật và mở cửa khuya hơn tại những địa điểm có đông du khách, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron còn đi xa hơn khi ông đề nghị xét lại chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ riêng khoản này, theo ông Macron, sẽ giúp quỹ thất nghiệp giải quyết được mức thâm hụt đã lên tới 4 tỷ euro.

Sở dĩ vấn đề này được ông Macron nêu lên do hiện nay, khi tuyển dụng một nhân viên với đồng lương là 100 euro chẳng hạn, thì giới chủ phải đóng thêm 42 euro cho các quỹ an sinh xã hội gồm bảo hiểm y tế, lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp. Phía người làm công trên 100 euro lương tháng đó, họ phải đóng 22% cho các quỹ xã hội, vào túi họ chỉ còn 78 euro.

Để so sánh, thì một ông chủ tại Đức chỉ đóng 19,5 euro cho quỹ xã hội và khoản đóng góp của người lao động Đức tương đương với ở Pháp trong lúc những đóng góp xã hội của giới chủ ở Đức chỉ bằng một phân nửa so với Pháp.

Trả lời trên đài phát thanh Europe 1, giáo sư Jean Tirole - giải Nobel kinh tế 2014, hiện điều hành trung tâm nghiên cứu tại đại học Toulouse, phân tích thêm vì sao Paris cần nhanh chóng xét lại khoản bảo hiểm thất nghiệp: “Bảo hiểm thất nghiệp là trở ngại để giải quyết công việc làm cho người lao động. Hiểu theo nghĩa, là giới chủ, khi họ sa thải nhân viên thì họ không phải đóng góp gì cho quỹ an sinh xã hội nữa. Ngược lại khi họ tuyển dụng nhân viên vào làm việc thì họ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp rất cao.

Với những đóng góp tốn kém như vậy, giới chủ vừa đắn đo trước khi họ tuyển người và khi cần thì họ dễ dàng cho nhân viên nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng tài chính. Tôi nghĩ là chính phủ nên bắt buộc các hãng xưởng khi sa thải nhân công cần đóng góp cho quỹ an sinh xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bắt khu vực sản xuất đóng thuế cao hơn nữa”.

Một phi lý khác trong mô hình lao động của Pháp được giáo sư Tirole nhắc tới là hợp đồng vô thời hạn: “Các doanh nghiệp rất sợ khi phải tuyển dụng nhân viên với hợp đồng vô thời hạn, bởi vì họ không dễ sa thải trong trường hợp cần thiết, họ không thể dễ dàng điều chỉnh khối lượng nhân viên để thích nghi với tình thế. Vì thế các doanh nghiệp thường tuyển dụng qua hợp đồng có hạn định, dùng các thực tập viên…

Từ đó, những thanh niên mới tập tễnh bước vào đời rất khó tìm được một công việc tương đối ổn định. Vì thế, tôi nghĩ giải pháp đơn giản nhất là nên duy trì một hình thức hợp đồng lao động duy nhất, tức là không còn phân biệt giữa hợp đồng vô thời hạn và những hợp đồng có hạn định nữa. Đương nhiên như vậy một số người lao động được bảo vệ hơn và một số kia thì không được bảo đảm có công việc làm vĩnh viễn nữa”.

Từ một chục năm qua giáo sư Jean Tirole đã đề xuất cải tổ thị trường lao động Pháp, bãi bỏ biên giới giữa hợp đồng vô thời hạn và hợp đồng có hạn định để trấn an giới chủ. Đồng thời giải Nobel kinh tế tương lai này của Pháp chủ trương là phải bắt các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi họ sa thải nhân công. Biện pháp này nhằm tránh để các doanh nghiệp sa thải bừa bãi.