Cuộc cách mạng trong ECB

Theo daibieunhandan.vn

0,5% tiếp tục là mức lãi suất được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lựa chọn trong cuộc họp định kỳ tháng mới đây nhất. Theo giới chuyên gia kinh tế, việc duy trì mức lãi suất thấp nhất kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào sử dụng năm 2000 cho thấy ECB đang nỗ lực ngăn chặn đà suy thoái kinh tế lan rộng ở châu Âu, đồng thời là một phần trong cuộc cách mạng về chính sách của thể chế này.

Cuộc cách mạng trong ECB
ECB đang nỗ lực ngăn chặn đà suy thoái kinh tế lan rộng ở châu Âu. Nguồn: internet

Mức lãi suất cơ bản trên được ECB áp dụng từ ngày 2/5 vừa qua. Ngoài ra, ngân hàng cũng quyết định duy trì lãi suất tiền gửi và lãi suất vay lần lượt là 0% và 1%. Chủ tịch Mario Draghi tuyên bố, ECB sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp trong thời điểm hiện tại và nếu cần thiết, định chế tài chính của châu Âu này có thể áp dụng các mức lãi suất thấp hơn nữa trong một thời gian. Ông cũng khẳng định các thị trường tài chính là yếu tố quyết định để ECB đưa ra chính sách lãi suất trong tương lai.

Các nhà quan sát cho biết, ngân hàng trung ương các nước công nghiệp phát triển trên thế giới đều duy trì mức lãi suất thấp nhất với nỗ lực kích thích phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Với ECB, việc duy trì mức lãi suất chưa từng có này đã phát đi thông điệp lớn hơn, đó là một cuộc cách mạng đang diễn ra tại thể chế tài chính lớn nhất châu Âu.

Theo Chủ tịch Draghi, ban lãnh đạo ngân hàng đang thực hiện các bước đi chưa từng có để giúp cải thiện tình hình theo hướng chú trọng nhiều hơn tới biện pháp tổng thể thay vì các cách thức cụ thể mà ECB từng làm trong quá khứ. Giới chuyên gia nhận định, trong thế giới của các ngân hàng trung ương, nơi từng phát biểu của các Thống đốc đều được các nhà kinh tế đem ra cân, đo, đong, đếm, thì những tuyên bố trên của ông Draghi thực sự “có sức công phá”. Các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt lên điểm trong khi đồng euro bắt đầu hạ giá so với đồng USD. Ngân hàng trung ương các nước khác cũng tiếp bước ECB thực hiện các cuộc cách mạng mini của mình.

Như vậy, sau 15 năm tuyên bố không bao giờ “cam kết trước” về các quyết định lãi suất trong tương lai, ECB đã khéo léo đưa ra một sự bảo đảm rằng sẽ không tăng lãi suất trong một thời gian nữa. Mặc dù Chủ tịch Draghi không đề cập, song các nhà kinh tế cho rằng tuyên bố trên nhằm phản ứng lại các quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thời gian gần đây đã gây căng thẳng trên thị trường tài chính khi ám chỉ rằng đã đến lúc phải chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài lâu nay.

Tháng trước, thị trường tài chính thế giới đã bị chao đảo sau tuyên bố của Chủ tịch FED Ben Bernake rằng, thể chế này sắp chấm dứt chương trình mua trái phiếu (còn gọi là nới lỏng định lượng QE), vốn là công cụ để nới lỏng chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, bế tắc chính trị tại Bồ Đào Nha đã dấy lên những quan ngại về một mồi lửa mới trong khủng hoảng tại Eurozone. Hệ quả là lãi suất nợ công đã tăng tại các nước thành viên liên minh tiền tệ này và các thị trường mới nổi, trong khi các điều kiện tài chính bị siết chặt.

Theo chuyên gia thuộc UniCredit, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã phản pháo. Còn Rainer Guntermann thuộc Commerzbank thì cho rằng, các ngân hàng trung ương châu Âu đã bắt đầu cuộc chiến với FED và ECB đang viết lại lịch sử. Chỉ vài tháng trước, ECB thường đi theo chính sách của FED, đó là tập trung vào tăng trưởng khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, hiện giờ ECB chú trọng hơn tới các định hướng chung.

Thực tế sự điều chỉnh này là cần thiết khi các dự báo kinh tế mới đây đều cảnh báo lục địa già lại đứng trước ngưỡng của một cuộc đại khủng hoảng, khi mà cuộc khủng hoảng tại Eurozone đang biến thành một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh đến nay. Suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực này đã kéo dài từ quý IV/2011 tới nay.

Theo ý kiến các chuyên gia, Eurozone đang bị đẩy ra bên lề thế giới, khi các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ và Nhật Bản đã đảo ngược xu hướng tiêu cực và bắt đầu tăng trưởng. Tình hình tồi tệ này một phần do Eurozone có nhiều quốc gia với trình độ phát triển kinh tế khác nhau, cùng sử dụng một đồng tiền chung song lại thiếu ý chí chính trị thống nhất. Đây chính là nhân tố ảnh hưởng tới định hướng chính sách giải cứu nền kinh tế của ECB. Kim chỉ nam ở đây là không thể áp dụng một mô hình chung, một biện pháp duy nhất cho các thực thể kinh tế khác nhau. Các biện pháp chỉ có thể phát huy hiệu quả khi chúng phù hợp với điều kiện của mỗi nước.

Doanh nhân Ishaq Siddiqi thuộc ETX Capital cho rằng, sự chuyển hướng của ECB và BoE có thể làm thị trường tài chính lắng dịu vì các nhà đầu tư giờ đây sẽ không phải đồn đoán về chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, không phải không có những hoài nghi về hiệu quả cuộc cách mạng này của ECB. Theo chuyên gia phân tích Michael Hewson đến từ CMC Markets, cố định tỷ lệ lãi suất không có tác dụng thúc đẩy lợi nhuận của công ty và chỉ phục vụ duy nhất một chủ thể - đó là các bong bóng bất động sản. Châu Âu hiện không đối mặt với cuộc khủng hoảng nới lỏng tiền tệ mà là cuộc khủng hoảng nợ công, và đây là hệ quả của các chính sách kinh tế và chính trị thất bại ở cấp độ toàn cầu.