Cuộc chiến ngân sách và “lỗ hổng” của nước Mỹ

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa, đứng trước bờ vực vỡ nợ, cho đến bản thỏa thuận tạm thời giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ…tất cả đều cho thấy những nét đặc trưng của lỗ hổng trong hệ thống chính trị nước Mỹ.

Khi những chính sách xã hội bị cắt giảm, tiếng nói đại diện của người dân Mỹ dường như không có. Nguồn: internet
Khi những chính sách xã hội bị cắt giảm, tiếng nói đại diện của người dân Mỹ dường như không có. Nguồn: internet

Với văn bản dự luật chi tiêu ngân sách tạm thời đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua và Tổng thống Barack Obama đã ký đưa vào thực hiện, ngày 17/10, hàng trăm nghìn nhân viên làm việc trong các công sở liên bang bị đóng cửa trong 16 ngày qua đã quay trở lại làm việc.

Trong 16 ngày đóng cửa công sở liên bang vừa qua đã có tổng cộng khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc. Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor’s ngày 16/10 cho biết việc một bộ phận công sở chính phủ liên bang bị đóng cửa 16 ngày qua đã khiến nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỷ USD và sẽ làm giảm tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý cuối cùng của năm 2013.

Phát biểu với báo giới đêm 16/10 sau khi ký đưa vào thực thi đạo luật chi tiêu ngân sách, Tổng thống Obama thừa nhận người dân Mỹ đã "chán ngấy” với chính trường ở Washington và nền kinh tế Mỹ cũng đã phải hứng chịu những thiệt hại lẽ ra không đáng có.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có thể đưa nền kinh tế nước Mỹ trở lại quỹ đạo trong vài tháng, khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng khác trong năm tới khi thỏa thuận này hết hiệu lực. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi về sự ổn định của nền chính trị nước Mỹ.

Hai vấn đề lớn ông Obama kêu gọi sự hợp tác của các nghị sỹ Quốc hội trong thời gian từ nay đến hết năm 2013 là cải cách hệ thống nhập cư và thông qua dự luật trang trại 500 tỷ USD. Đây là hai vấn đề được dự báo sẽ lại diễn ra các cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ nắm quyền đa số tại Thượng viện với phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các nghị sĩ đảng Cộng hòa có một lần nữa sử dụng việc đóng cửa chính phủ để ép Tổng thống nhượng bộ hay không. Thủ lĩnh Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cam kết các nghị sĩ Cộng hòa không có kế hoạch tái diễn hành động đó và việc đóng cửa chính phủ sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Trong động thái thể hiện ý định cùng phối hợp để giải quyết bất đồng, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Patt Murray và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan cam kết sẽ tìm kiếm lập trường chung trong các vấn đề liên quan đến ngân sách.

Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố trên, thực tế cho thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn khó đạt được đồng thuận, đặc biệt là đối với một trong những bất đồng mấu chốt nhất, giảm chi tiêu và bội chi ngân sách. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người có khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2016, còn chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống đã có những lời nói mang tính chia rẽ chính trường Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù thỏa thuận ngân sách đã cứu nước Mỹ thoát hiểm vào phút chót, giúp các nền kinh tế là chủ nợ lớn của Mỹ có thể "tạm thở phào”, song vẫn còn nhiều ý kiến từ phía cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ "thảm kịch” tái diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn.

Tranh luận chính trị biến thành cuộc chiến

Các cuộc tranh luận chính trị ở Washington từ lâu đã trở thành một cuộc chiến gây ra những vết thương tồi tệ nhất. Đối phương không còn được tôn trọng mà bị tấn công như kẻ thù, thỏa hiệp bị coi là một dấu hiệu của sự yếu đuối.

Thế nên, mặc dù đã đi đến kết thúc bằng một thỏa thuận giữa hai đảng nhưng sự mở cửa lại của Chính phủ Mỹ lại được coi như một thất bại trong chính trị của đảng Cộng hòa. Trong suốt 16 ngày cuộc khủng hoảng diễn ra, phe cực hữu ở đảng Cộng hòa đã liên tục đặt ra khung làm việc cho các cuộc thảo luận và các Nghị sỹ đảng Dân chủ tóm ngay lấy cơ hội này để thỏa mãn hầu hết các yêu sách của họ nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Thêm vào đó, số tiền đóng góp chi cho các chiến dịch vận động bầu cử hầu như không có giới hạn, trong đó có số tiền tài trợ cho việc vu khống ngày càng tàn bạo trong cuộc bầu cử quốc hội hai năm một lần. Đằng sau những khoản đóng góp to lớn này là các nhóm cấp tiến hoặc các nhà tỷ phú như anh em David và Charles Koch - những người đã tài trợ cho đảng Trà và được cho là đã giúp lên kế hoạch cũng như chỉ đạo cuộc khủng hoảng gần đây nhất.

Đồng thời, nước Mỹ đang trải qua những thay đổi về nhân khẩu học rất lớn và điều này đã thể hiện rõ ràng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama. Đa số người da trắng đang dần dần biến thành thiểu số. Sự nổi lên của đảng Trà là nhằm chống lại xu thế thay đổi này, chống Tổng thống Obama và chính phủ của ông.

Trong cuộc khủng hoảng trần nợ công gần đây, những người thuộc đảng Trà cũng tỏ ra không hiểu hoặc không muốn hiểu về những hậu quả khủng khiếp của việc vỡ nợ đối với nước Mỹ và thế giới. Trong những năm gần đây, "bắt cóc làm con tin” và "tống tiền” chính là những công cụ mà những người ủng hộ đảng Trà sử dụng.

Nền dân chủ không có đại diện

Việc Chính phủ đóng cửa và rủi ro vỡ nợ được lấy ra để làm con tin đe dọa lẫn nhau giữa hai chính đảng, được sử dụng như một chiêu bài để đảng Cộng hòa nước này phản ứng các chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama từng đề xuất như dự luật cải cách bảo hiểm y tế ObamaCare, chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe khác…

Trong khi đó, vấn đề ban đầu dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa – sự phân cực trong nội bộ "Đảng Trà”, khi phe Cộng hòa trong đảng này phản đối dự luật cải cách bảo hiểm y tế của chính quyền Obama – lại dần phai nhạt và bị lãng quên.

Và điều quan trọng nhất là, trong toàn bộ quá trình tranh luận gay gắt của lưỡng đảng về ngân sách, đại đa số người dân nước Mỹ bị bỏ ngoài cuộc. Khi các nhà chính trị gia đang bàn luận về việc cắt giảm hai chương trình xã hội quan trọng ở Mỹ, vốn là hai chương trình hỗ trợ hàng triệu người nghèo, thì không hề có bất cứ tiếng nói đại diện nào từ hai đảng, hoặc một đại diện dám lên tiếng thông qua các hãng truyền thông. Vậy nền dân chủ nước Mỹ đã biến đi đâu?

Đây là sự kiện đã từng có tiền lệ ở nước Mỹ, cho lấy "lỗ hổng” của nước này. Lịch sử Mỹ cũng từng chứng kiến nhiều sự kiện khi lương nhân công bị cắt giảm thậm tệ, nhân quyền bị vi phạm…nhưng không hề có một tổ chức xã hội nào phản kháng.