Đạo luật nông trại và nguy cơ tăng bảo hộ mậu dịch

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu như Mỹ cũng là cơ hội cho doanh nghiệp ở các nước như Việt Nam tranh thủ cơ hội tái cơ cấu, áp dụng các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Muốn xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ, hệ thống nuôi trồng, sản xuất phải theo tiêu chuẩn như tại Mỹ. Nguồn: internet
Muốn xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ, hệ thống nuôi trồng, sản xuất phải theo tiêu chuẩn như tại Mỹ. Nguồn: internet

Thúc đẩy nông nghiệp Mỹ

Ngay sau khi văn kiện dày 350 trang – Đạo luật Nông trại (Farm Bill) được Thượng viện Mỹ thông qua, ngay lập tức ngày 7/2, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành, qua đó kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài hơn 3 năm qua về chính sách trợ cấp nông nghiệp và chương trình tem phiếu lương thực hay còn gọi là chương trình hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng (SNAP).

Phát biểu trong lễ ký diễn ra tại một trang trại ở bang Michigan, Tổng thống Obama cho biết, đạo luật mới tuy không bao gồm toàn bộ những kỳ vọng của cá nhân ông cũng như những yêu cầu của các nghị sỹ đảng Cộng hòa, song cũng giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp của Mỹ phát triển trong những năm tới.

Giới phân tích cho rằng, đạo luật này là văn bản thỏa hiệp chính trị giữa các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa (nắm đa số tại Hạ viện) và đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát Thượng viện.

Đạo luật mới cho phép chính phủ Mỹ phân bổ 956 tỷ USD cho việc thực thi các chính sách nông nghiệp trong 10 năm tới, trong đó khoảng 80% ngân quỹ sẽ được chi cho chương trình SNAP. Mức chi này thấp hơn 16,6 tỷ USD so với số tiền đã chi trong 10 năm qua, đồng thời thay thế cho chương trình trợ cấp tự động dành cho các nông dân và các chủ trang trại vốn được áp dụng từ nhiều năm nay.

Đạo luật sẽ cắt giảm 1% trợ cấp cho chương trình SNAP, tương đương 8 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Mức giảm này nhỏ hơn nhiều so với mức đề xuất cắt giảm 40 tỷ USD do các nghị sỹ đảng Cộng hòa đưa ra, nhưng vẫn cao gấp đôi so với yêu cầu cắt giảm do các nghị sỹ đảng Dân chủ đề xuất. Ủy ban Nông nghiệp Mỹ ước tính, đạo luật mới này sẽ giúp cắt giảm 23 tỷ USD thâm hụt ngân sách liên bang trong 10 năm tới.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ngoài việc ký ban hành Đạo luật nông trại mới, Tổng thống Obama cũng công bố sáng kiến ''Sản xuất tại nông thôn Mỹ'' (“Made in Rural America”) nhằm giúp các doanh nghiệp nông thôn mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường mạng lưới bán các nông sản “Made in USA”.

Nông nghiệp hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế Mỹ và là ngành tạo ra khoảng 16 triệu việc làm cho người dân quốc gia này. Theo số liệu của Hội đồng cố vấn kinh tế (CEA), lĩnh vực nông nghiệp Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây với tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt tới 657 tỷ USD. Riêng năm 2013, ngành nông nghiệp dự báo đạt lợi nhuận ròng 131 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2008.

Có đồng nghĩa với gia tăng bảo hộ?

Đạo luật nông trại mới ra đời được nhìn nhận là tích cực ở góc độ trong nội bộ nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy đạo luật này phản ánh chủ trương bảo hộ mậu dịch của Mỹ thông qua việc đưa ra các tiêu chuẩn, các điều kiện như một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nông nghiệp trong nước. Thậm chí, một số ý kiến còn thẳng thắn cho rằng, đây là một đòn cạnh tranh khá độc đáo và “độc ác” của Mỹ.

Đơn cử một chi tiết là việc chuyển chức năng giám sát cá da trơn – catfish (trong đó có các sản phẩm từ cá basa, cá tra của Việt Nam) từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp nước này. Mục đích là nhằm bắt cá da trơn nhập khẩu từ các nước khác cũng phải “chui vào lưới kiểm soát” chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp.

Bởi với điều khoản này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá da trơn của các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang hàng với mặt hàng này sản xuất tại Mỹ, từ quy trình sản xuất nuôi trồng, chất lượng sản phẩm đến việc đóng gói và xuất khẩu.

Nói cách khác, nó làm cho người dân nuôi cá da trơn tại các nước khác vấp phải các kiểm soát ngặt nghèo và tốn kém khi phải xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn như tại Mỹ. Và với quy tắc thẩm tra từ gốc, chẳng hạn như khâu chăn nuôi tại các nước khác xem có đạt tiêu chuẩn Mỹ hay không, thì rõ ràng nhiều doanh nghiệp tại các nước khác sẽ khó đáp ứng được.

Trong khi đó, việc thẩm tra này đâu có liên quan gì đến chất lượng, an toàn thực phẩm – điều mà Mỹ luôn lấy làm lý do để ngăn cản các mặt hàng này nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian qua.

Vậy nên mới có quan điểm cho rằng, đây thực chất chỉ là thủ đoạn cạnh tranh chứ không phải nhắm vào cải thiện vệ sinh hay an toàn thực phẩm gì cả. Và do đó ngay chính các nhà nhập khẩu và phân phối cá da trơn của Mỹ cũng phản ứng với biện pháp cạnh tranh đó.

Trang thông tin http://www.foodsafetynews.com có trụ sở tại Mỹ mới đây đã có bài viết trong đó khẳng định, những người nuôi cá da trơn tại Mỹ chính là những đối tượng “thắng lớn” với đạo luật này. Ở phía ngược lại, một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của điều khoản này chính là Việt Nam – nước chiếm tới gần 80% thị phần nhập khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ.

Trong khoảng 2 tháng nữa, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra những điều kiện cụ thể để thực thi đạo luật này (như các điều kiện về nuôi trồng, chế biến, nhãn mác…). Dựa trên tính chất khoa học, pháp lý của các điều kiện đưa ra, các nước trong đó có Việt Nam sẽ có những đánh giá và phản ứng phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế khách quan về cạnh tranh và những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu như Mỹ cũng là cơ hội cho doanh nghiệp ở các nước như Việt Nam tranh thủ cơ hội tái cơ cấu, áp dụng các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, với cá tra, cá basa nói riêng.