Đầu tư tài chính trực tuyến: Ham lợi thành trắng tay

Theo Mỹ Huyền/sgtiepthi.vn

Đầu tư tài chính trực tuyến ở Trung Quốc gần đây đã thể hiện rõ tính chất bong bóng lãi suất ảo và các nhà đầu tư nhỏ, không chuyên là những đối tượng chịu thiệt thòi nhất, theo The New York Times.

Trương Tiểu Lôi, ông chủ của trang mạng Qianbao, vướng vòng lao lý. Nguồn: internet
Trương Tiểu Lôi, ông chủ của trang mạng Qianbao, vướng vòng lao lý. Nguồn: internet

Từ khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nhiều vụ gian lận về đầu tư tài chính thông qua các kênh trực tuyến đã xảy ra ở nước này mà những nạn nhân chịu sự thiệt thòi nhiều nhất chính là những nhà đầu tư không chuyên.

Hoa mắt vì tỷ suất lợi nhuận

Theo The New York Times, các nhà đầu tư trực tuyến ở Trung Quốc thường là những người không chuyên và bị thu hút bởi tỷ suất lợi nhuận cao, đôi khi lên đến 80%. Trong khi đó, nhiều người vẫn nghĩ rằng việc đổ tiền vào các kênh đầu tư trực tuyến sẽ an toàn hơn so với việc đầu tư qua thị trường chứng khoán vốn được ví von là “trò đỏ đen” ở nước này. Thực tế là không hề có loại hình đầu tư nào thu lợi dễ như vậy. Michael Pettis – Giáo sư khoa Tài chính của Trường Quản lý Quang Hoa thuộc Trường Đại học Bắc Kinh, cũng là cộng tác viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế – khẳng định mức lãi suất 10-11% trên một gói đầu tư là điều rất đáng ngờ. Các dịch vụ cho vay trực tuyến lãi suất cao ở Trung Quốc phổ biến đến nỗi trở thành một điểm “nóng” mà nhiều tập đoàn, công ty tìm đến để huy động tiền mỗi khi họ không vay được tiền từ ngân hàng.

Trong sáu năm qua, cổng đầu tư trực tuyến Qianbao (Qbao.com) có vẻ như là một kênh đầu tư an toàn cho người dân ở Trung Quốc. Tên tuổi của công ty xuất hiện trên áo thi đấu của hai đội bóng chuyên nghiệp của giải La Liga, Tây Ban Nha và thậm chí người sáng lập công ty này còn được truyền hình quốc gia ca ngợi. Khoảng 200 triệu người đã gửi tiền vào cổng đầu tư Qianbao với tổng số tiền lên tới 5 tỉ đô la. Tuy nhiên, sau khi nhiều nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi công ty, người đứng đầu Qianbao là Trương Tiểu Lôi đã ra đầu thú vào ngày 26-12-2017. Ông Lôi khai nhận công ty đã lừa đảo bằng cách lấy tiền từ các nhà đầu tư mới để trả cho các nhà đầu tư cũ và hiện không trả nổi nợ gốc lẫn lãi suất.

Trang mạng Qianbao chủ yếu kinh doanh điện thoại di động và các thiết bị điện tử và kêu gọi tiền đầu tư với lời hứa hẹn lãi suất rất cao. Người dân được rỉ tai rằng chỉ cần cho công ty này vay tiền, xem quảng cáo, viết bài đánh giá là có thể ngồi nhà chờ nhận tiền lãi, có khi lên đến 50%. Anh Walter Xu, sinh viên mới ra trường, đã quyết định đầu tư vào Qianbao toàn bộ 32.000 đô la tiền tiết kiệm vì lợi nhuận hứa hẹn cao ngất trời. Cũng như nhiều người bị mất tiền, Xu cay đắng nói: “Tôi bị sốc. Giờ tôi phải đi làm và dành dụm lại từ đầu”.

Chính phủ phải can thiệp

Đầu tư trực tuyến không dành cho những người nghèo hoặc thiếu sự hiểu biết, nhưng thực tế là hai đối tượng này lại thường bị “mắc câu” nhất. Không chỉ Xu mà rất nhiều người khác cũng mất tiền, đa số là tiền đi vay, thậm chí vay trực tuyến ở các trang khác để có tiền đổ vào Qianbao. Tháng Giêng năm nay, khi Tết Nguyên đán cận kề, tất cả các nhà đầu tư hay tin mình đã mất trắng, họ lập tức đổ xuống đường phố Nam Kinh nơi Qianbao đặt trụ sở để biểu tình.

Tại Nam Kinh, Chính phủ Trung Quốc phải can thiệp để ổn định tình hình và các cuộc biểu tình đã được xoa dịu. Tuy nhiên, Qianbao chỉ là trường hợp mới nhất trong hàng loạt đại án có liên quan đến đầu tư tài chính trực tuyến. Cách đây bốn tháng, ông chủ trang cho vay trực tuyến Ezubao có giá trị 9 tỉ đô la phải lĩnh án chung thân vì tội lừa đảo. Trước đó, cảnh sát Trung Quốc cũng đã bắt giữ người đứng đầu Quỹ hối đoái Fanya Metals Exchange sau khi làm “bốc hơi” 6 tỉ đô la tiền của các nhà đầu tư. Xen giữa hai vụ này là vụ một công ty tự xưng là “Quỹ từ thiện ái quốc Thiện Tâm Hối” lừa đảo hàng tỉ đô la của khách hàng khiến hàng trăm người đổ ra đường.

Andrew Collier từ Công ty nghiên cứu Orient Capital Research nhận xét rằng những nhà đầu tư ở Trung Quốc thường ngầm tin tưởng rằng chính phủ sẽ hỗ trợ họ nếu có rủi ro xảy ra. Họ cho rằng các quỹ đầu tư nhan nhản trên mạng cũng nằm trong khả năng quản lý của chính phủ như mọi loại hình tín dụng khác. Do đó, phần lớn các nhà đầu tư nhỏ ở Trung Quốc lấy tất cả tiền dành dụm, vay mượn bạn bè, gia đình hoặc thậm chí vay lãi suất cao để đầu tư. Khi các công ty tài chính trực tuyến vỡ nợ, những người tham gia mất trắng và lâm vào cảnh nợ nần, họ chua xót, phẫn nộ và tìm cách trút giận. Để ứng phó với tình trạng biểu tình nổ ra liên tiếp, ông Quách Thanh Côn, Bộ trưởng Bộ Công an đương nhiệm khi đó, đã phải cam kết trấn áp các hoạt động lừa đảo tài chính. Gần nửa năm trôi qua, những nỗ lực của chính phủ vẫn chưa thể làm yên lòng những nhà đầu tư không chuyên tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.