Điểm lại tin tài chính - kinh tế thế giới nổi bật tuần từ 16 - 20/10/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính gửi tới bạn đọc điểm tin tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quý III/2017, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8%
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong quý III/2017, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8%, thấp hơn so với mức tăng 6,9% của quý II/2017, do đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng trưởng chậm lại, cùng với việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp chống rủi ro cho vay làm tăng chi phí vay vốn.
Lũy kế 3 quý đầu năm 2017, GDP của Trung Quốc đạt 59.328,8 tỷ CNY (8.961,4 tỷ USD), tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mục tiêu 6,5% do Chính phủ đề ra. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng cao nhất với 7,8%, trong khi công nghiệp cơ bản tăng trưởng 3,7% và công nghiệp phụ trợ tăng 6,3%. Nền kinh tế đã duy trì đà tăng trưởng ổn định với triển vọng tích cực trong 3 quý đầu năm 2017, cấu trúc nền kinh tế cũng như chất lượng tăng trưởng đều được cải thiện, trong khi những động cơ tăng trưởng mới đang phát huy hiệu quả.
CPI tại Hoa Kỳ tăng 0,5% so với mức tăng 0,4%
Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, trong tháng 9/2017, CPI tại Hoa Kỳ tăng 0,5% so với mức tăng 0,4% của tháng 8/2017, đồng thời tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016 , trở thành mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2017, do giá xăng tăng cao khi các nhà máy lọc dầu tại nước này bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão Harvey.
CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống) tăng 0,1% so với tháng 8/2017 (thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng 8), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016. 
Nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2017 ở mức 1,6 triệu thùng/ngày
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA, nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2017 ở mức 1,6 triệu thùng/ngày, cao hơn so với 1,5 triệu thùng/ngày (dự báo đưa ra trước đó) do nhu cầu tại Hoa Kỳ và châu Âu tăng mạnh.
Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ toàn cầu đã giảm 0,72 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2017 do nguồn cung của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm. Lượng dầu dự trữ thế giới đang dần cân bằng trở lại. 

Triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc

Theo Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế - IMFC, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc nhờ sản lượng công nghiệp, đầu tư và thương mại tăng.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số các nền kinh tế phát triển chưa đạt mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng của nhiều nước vẫn thấp.

Các ngân hàng trung ương nên duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài nhằm  thúc đẩy đà phục hồi vốn của nền kinh tế thế giới hiện nay.