Điểm nhấn tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 30/10-03/11/2017

PV. (Tổng hợp)

Tại chí điện tử Tài chính điểm lại các tin tài chính - kinh tế nổi bật trên thế giới trong tuần vừa qua (30/10 - 03/11/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc công bố báo cáo lợi nhuận tích cực trong quý III/2017
4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc (gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc - ICBC, Ngân hàng Trung Quốc - BOC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - CCB và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc) đã công bố báo cáo lợi nhuận tích cực trong quý III/2017.
Trong đó, ICBC đạt lợi nhuận ròng 75 tỷ CNY (11,3 tỷ USD), tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016; CCB đạt 62,9 tỷ CNY (9,46 tỷ USD), tăng 4,1%; Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đạt 51,42 tỷ CNY (7,74 tỷ USD), tăng 4,89%; BOC đạt 41,82 tỷ CNY (6,29 tỷ USD), tăng 0,1%.
Quý III/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016 
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong quý III/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,1% của quý 2/2017, tuy nhiên cao hơn mức tăng 2,5% theo dự báo của Reuters, do đầu tư vào chứng khoán tăng và thâm hụt thương mại giảm đã bù đắp cho sự suy thoái về chi tiêu của người tiêu dùng và sự sụt giảm trong xây dựng (do ảnh hưởng của thiên tai).

Chứng khoán châu Á tăng 2,48 điểm tương đương 1,48%

 Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,48 điểm (1,48%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (03/11/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số đồng loạt tăng điểm:  Hang Seng (Hong Kong) tăng 84,97 điểm (0,3%) lên 28.603,61 điểm. Kospi (Hàn Quốc) tăng 11,61 điểm (0,46%) lên 2.557,97 điểm.  S&P/ASX 200 (Australia) tăng 28,2 điểm (0,48%) lên 5.959,9 điểm.

Riêng chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 11,57 điểm (-0,34%) xuống 3.371,74 điểm. Nikkei 225 (Nhật Bản): Đóng cửa nghỉ lễ.

Năm 2017, tổng số nợ của thế giới có thể tăng lên mức cao kỷ lục 226.000 tỷ USD
Theo Viện Tài chính quốc tế - IIF, tổng số nợ của thế giới có thể tăng lên mức cao kỷ lục 226.000 tỷ USD (tương đương 324% GDP toàn cầu) trong năm 2017. Trong đó, số nợ cần phải trả hoặc đáo hạn từ nay tới cuối năm 2018 của các nước đang phát triển lên tới 1.700 tỷ USD. Những khoản nợ bằng ngoại tệ mạnh của những nước mới nổi đã vượt quá 8.200 tỷ USD, tương đương gần 15% tổng dư nợ của các nước đang phát triển. 
ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục
Nếu các ngân hàng thuộc Eurozone duy trì tỷ lệ lãi suất thấp trong khoảng 10 năm thì lợi nhuận của ngành ngân hàng mới chỉ giảm 25%. Trong khi đó, ảnh hưởng này có xu hướng được cân bằng nhờ việc cải thiện trong các điều kiện kinh tế vĩ mô đạt được nhờ lãi suất thấp, như sự cải thiện của GDP hay giá trị cổ phần của các ngân hàng đều tăng sau mỗi lần ECB thông báo giữ nguyên lãi suất.
Nhận định trên được đưa ra sau khi ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, và đảm bảo sẽ duy trì mức lãi suất này cho đến khi kết thúc việc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc ECB có thể sẽ tăng lãi suất sớm nhất vào cuối năm 2019.