Điểm tin tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 13-17/11/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại tình hình tài chính - kinh tế thế giới trong tuần vừa qua, với nhiều tin tức nổi bật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3% năm 2017 và năm 2018 
Theo Conference Board, nền kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 3% trong năm 2017 và năm 2018. Trong đó, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018, cao hơn so với mức trung bình 1,8% trong 5 năm qua (2012 - 2017); Các thị trường mới nổi tăng trưởng 3,7% trong năm 2017 và 3,8% trong năm 2018.
Tháng 10/2017, CPI của Eurozone chỉ tăng 1,4%, thấp nhất trong 3 tháng qua
Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat, trong tháng 10/2017, CPI của Eurozone tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,5% của tháng 9/2017 và là mức thấp nhất trong 3 tháng qua, do giá năng lượng, hàng công nghiệp phi năng lượng và dịch vụ tăng chậm. CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,1% của tháng 9/2017.

Chứng khoán châu Á giảm 0,89 điểm

Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,89 điểm (-0,51%). Trong ngày giao dịch cuối tuần , ngày 17/11/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, ghi nhận 2 chỉ số tăng điểm là Hang Seng (Hong Kong) tăng 180,82 điểm (0,62%) lên 29.199,58 điểm và Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 45,68 điểm (0,2%) lên 22.396,8 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,8 điểm (-0,03%) xuống 2.533,99 điểm; Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 16,34 điểm (-0,48%) xuống 3.382,91 điểm; S&P/ASX 200 (Australia) giảm 9,95 điểm (-0,17%) xuống 5.947,3 điểm.

PBoC bơm tiền mặt vào thị trường trong 4 ngày liên tiếp 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC đã bơm tiền mặt vào thị trường trong 4 ngày liên tiếp nhằm giảm tình trạng căng thẳng thanh khoản trong thời gian cuối năm. Ngày 16/11, PBoC trong đã thực hiện các hợp đồng repo (mua cổ phiếu có kỳ hạn) trị giá 330 tỷ NDT (50 tỷ USD), trong đó có 310 tỷ NDT tiền mặt được bơm vào thị trường, sau khi bơm ròng 150 tỷ NDT (ngày 13/11), 140 tỷ NDT (ngày 14/11) và 220 tỷ NDT (ngày 15/11). Tổng cộng trong 4 ngày (13 - 16/11), PBoC đã bơm ròng 820 tỷ NDT vào thị trường. 

Theo giới phân tích, PBoC ngày càng dựa vào hoạt động thị trường mở để quản lý tình hình thanh khoản, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trung Quốc theo đuổi chính sách tiền tệ “thận trọng và trung tính” trong năm 2017, đồng thời áp dụng các công cụ chính sách để duy trì sự ổn định trong thanh khoản và giữ lãi suất ở mức hợp lý. 

CPTPP - một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao

Các bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí với một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc đồng ý với tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nước đã thống nhất giữ nguyên các nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định. CPTPP là một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.