“Điều tồi tệ nhất với châu Á đã qua”

Theo cafef.vn

(Tài chính) Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từng nước riêng lẻ sẽ không phải tiếp tục chịu đựng những thách thức lớn.

Công trường xây dựng ở Manila, Philippines. Nguồn: internet
Công trường xây dựng ở Manila, Philippines. Nguồn: internet
Bloomberg trích dẫn nhận định của Nomura Holdings Inc. cho rằng điều tồi tệ nhất đối với các thị trường mới nổi ở châu Á đã đi qua. Lo lắng về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu, nhà đầu tư đã rút hàng tỷ USD ra khỏi các thị trường này trong tháng 8.

“Chúng ta đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từng nước riêng lẻ sẽ không phải tiếp tục chịu đựng những thách thức lớn”, Steve Ashley – người phụ trách các thị trường toàn cầu tại Nomura – nhận định. 

Ông cũng cho biết Nomura vẫn có nhận định khá tích cực về các tài sản rủi ro ở các thị trường mới nổi châu Á. Triển vọng của khu vực này vẫn “khá tích cực” trong vòng 5 đến 10 năm tới bởi lượng vốn mà các quỹ rót vào đây sẽ phải bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. 

Báo cáo mới được chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy trong tháng 8 hoạt động sản xuất đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng. Lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, bổ sung thêm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần hồi phục sau 2 quý suy giảm. 

Trong khi đó, nền kinh tế Philippine đạt mức tăng trưởng trên 7% trong 4 quý liên tiếp, tính đến hết quý II vừa qua.

Ashley nhận định các thị trường đã trở thành “con nghiện” của các chương trình nới lỏng định lượng. Thị trường cần “cai nghiện” và đó chính là lý do tạo nên sự hỗn loạn. Vì sức khỏe dài hạn của các thị trường tài chính, trạng thái bình thường là điều cần thiết và thị trường không nên lo sợ điều này. Dựa theo những gì đã diễn ra trong lịch sử, nửa đầu của quá trình thắt chặt thường đi kèm với tình trạng nền kinh tế cũng như các tài sản rủi ro tăng trưởng ở mức vừa phải.