Đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế: Cần tuân thủ UNCLOS trong vấn đề Biển Đông

Châu Anh

Ngày 17/3/2016, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế: Tăng cường các quy định của pháp luật trong khu vực đối với Luật Biển quốc tế đã có nhiều học giả cho rằng, Biển Đông là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và mối quan hệ giữa nhiều quốc gia. Chính vì vậy, theo các học giả, Công ước Liên Hợp quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS) cần là nền tảng pháp lý quan trọng để giải quyết các thách thức an ninh biển hiện nay.

Các học giả tại Đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế.
Các học giả tại Đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế.

Đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và Đại sứ quán Hà Lan tại Jakarta, Indonesia phối hợp với sự tham gia của nhiều học giả đến từ khu vực cùng đại diện các cơ quan ngoại giao đóng tại Thủ đô Jakarta.

UNCLOS cần phải được tôn trọng và thực thi

Tại cuộc đối thoại điều đáng chú ý là các học giả đã tập trung nhấn mạnh về tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển - vốn được coi là hiến pháp để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương giữa các quốc gia trên thế giới. Các học giả nhấn mạnh, UNCLOS cần phải được các quốc gia hiểu và vận dụng trên thực tế.

Đáng chú ý, tại diễn đàn, các học giả cũng dành nhiều thời gian để trao đổi vềtình hình tranh chấp trên Biển Đông. “Tôi cho rằng, về lâu dài Trung Quốc sẽ thấy rằng họ có cùng lợi ích với các nước lớn khác như quyền tự do hàng hải. Do đó, Trung Quốc không nên đi ngược lại luật pháp quốc tế vốn là điều đảm bảo sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các bên”, Giáo sư, Tiến sỹ Robert Beckman - Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Không chỉ thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tại các phiên thảo luận, các học giả chỉ rõ, UNCLOS còn liên quan đến việc xử lý các vấn đề khác như: bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy hợp tác các quốc gia ngăn chặn tội phạm trên biển. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á cần phải có nhận thức chung về luật quốc tế về biển.

Ông Arisman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN cho biết: “Trong đối thoại này, chúng tôi tập trung vào việc làm thế nào để tăng cường sự hiểu biết về luật pháp quốc tế, đặc biệt với các nước ASEAN bởi có nhiều nước tranh chấp về biển trong khu vực. Việc tất cả các nước ASEAN có cùng hiểu biết về tầm quan trọng của luật biển sẽ góp phần tích cực cho sự đoàn kết thống nhất của ASEAN và có thể thảo luận dựa trên khuôn khổ UNCLOS”.

Đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển là nền tảng pháp lý quan trọng để giải quyết các thách thức an ninh biển hiện nay; đồng thời khẳng định, chỉ có việc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế mới mang lai lợi ích bình đẳng, lâu dài cho tất cả các quốc gia.

ASEAN và vấn đề Biển Đông

Có thể nói, ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với tình hình khu vực Biển Đông, trong đó có các vấn đề như giải quyết xung đột, tội phạm hàng hải xuyên quốc gia, an ninh tài nguyên biển, an ninh môi trường hàng hải trong khu vực…

Chính vì vậy, tại diễn đàn, Giáo sư, tiến sỹ Robert Beckman - Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định, trước hết cần phải dựa vào Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, dựa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sắp tới cần phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông dựa trên các cơ sở pháp lý. Để thực hiện được vấn đề này, ông cho rằng, cần một giải pháp lâu dài và sẽ gặp rất nhiều cản trở, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan.

Bên cạnh đó, các học giả cho rằng, tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, để chia sẻ lợi ích cùng nhau hơn là đi ngược lại luật để gây ra những tranh chấp, ảnh hưởng môi trường an ninh của khu vực cũng như ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung. Thương mại hàng hải ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác hàng hải phải được coi là một khía cạnh tự nhiên mang tính trách nhiệm của các quốc gia liên quan.

UNCLOS 1982 đã yêu cầu, khuyến khích các quốc gia sử dụng các kênh khác nhau, từ song phương, khu vực, quốc tế. Song phương là kênh quan trọng, nhưng khi kênh này không đem lại kết quả thì các nước có quyền sử dụng các kênh khác nhau để đảm bảo lợi ích của mình.

Được biết, chương trình đối thoại ASEAN về Luật Biển quốc tế gồm 3 phiên với các nội dung: Sự phát triển của luật hàng hải và trật tự hợp tác trong ASEAN; Giải pháp cho các vấn đề về trật tự hàng hải như giải quyết xung đột, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh tài nguyên biển, an ninh hàng hải trong khu vực ASEAN; UNCLOS 1982 và ý nghĩa của nó./.

Được ký kết ngày 10/12/1982, UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đến nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS 1982.UNCLOS 1982 là văn bản pháp lý gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo. Đây là một bộ các quy định về sử dụng biển và đại dương trên thế giới (chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất)… Đặc biệt liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, UNCLOS 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên phải giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.