Đông Nam Á chuẩn bị đón lượng vốn lớn

Theo TTXVN

Quyết định nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn thiểu phát và thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư đổ về Đông Nam Á.

 Đông Nam Á chuẩn bị đón lượng vốn lớn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quyết định nới lỏng tiền tệ theo cơ chế mới nhằm ngăn chặn tình trạng thiểu phát và thúc đẩy tăng trưởng mà BoJ đưa ra hôm 4/4 sẽ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư đổ về các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.

Ông Frederic Neumann - Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á thuộc Ngân hàng HSBC được tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời cho rằng Thái Lan, Malaysia và Indonesia là 3 thị trường có mối quan hệ rất chặt chẽ về tài chính với Nhật Bản. Vì vậy, động thái khá quyết liệt của BoJ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cả 3 nước này thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong những quý tới.

Việt Nam và Philippines cũng có thể trở thành những nước tiếp nhận luồng vốn mới khi các ngân hàng và nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội làm ăn. Hiện các công ty Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, hướng tới những thị trường mới nổi. Đây chính là cơ hội thuận lợi để khu vực Đông Nam Á thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, với Hàn Quốc và đảo Đài Loan (Trung Quốc), hiệu ứng sau quyết định nới lỏng tiền tệ của BoJ sẽ khác hơn. Hiện tổng vốn đầu tư của Nhật Bản ở cả hai thị trường này vẫn dừng ở mức khiêm tốn.

Vấn đề đặt ra đối với Hàn Quốc và đảo Đài Loan (Trung Quốc) là làm thế nào để vừa duy trì được nguồn vốn đầu tư, vừa giải quyết bài toán xuất khẩu trong bối cảnh đồng Yên yếu. Hàn Quốc từng triển khai chính sách giảm giá đồng nội tệ để tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu.

Trong bài viết đăng trên Thời báo Tài chính, ông Andreas Utermann - quan chức phụ trách đầu tư thuộc Tập đoàn Đầu tư Toàn cầu Allianz cho rằng cuối cùng thì Nhật Bản cũng lựa chọn chính sách như các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới. Đó là mở rộng bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương, từ đó có thể giảm giá đồng nội tệ so với các ngoại tệ mạnh khác.

Theo ông Utermann, trong khoảng thời gian một thập niên tới, nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu và khuyến khích các thị trường mới nổi định giá lại đồng nội tệ, đặc biệt là Nhân dân tệ, sẽ phụ thuộc nhiều chính sách này.

Ngay sau khi BoJ công bố quyết định nới lỏng tiền tệ, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng 2,2%, nhưng đồng yen thì giảm 2,7% so với đồng USD. Trong khi đó, phản ứng từ các thị trường ở Đông Á chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi đáng kể khi BoJ triển khai chính sách trên thực tế.