Ưu tiên của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN:

Đưa ASEAN trở lại đường ray kinh tế

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Singapore đã chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua. Với phương châm “linh hoạt và sáng tạo”, Singapore mong muốn thúc đẩy một khu vực an toàn và thịnh vượng hơn để ASEAN hoàn thành các mục tiêu hội nhập. Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng, thời cơ nhiều song thách thức cũng rất nặng nề đối với đảo quốc sư tử.

Tổng thống Philippines Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 31 hôm 14/11. Nguồn: Internet
Tổng thống Philippines Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 31 hôm 14/11. Nguồn: Internet

Singapore tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN lần thứ 4 trong bối cảnh trật tự thế giới và kinh tế toàn cầu đang biến đổi sâu sắc, khu vực nổi lên nhiều thách thức về an ninh cũng như đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, nên trọng trách của nước Chủ tịch càng nặng nề.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh trọng tâm công việc chính của ASEAN trong năm 2018 là tiếp tục thúc đẩy và duy trì trật tự khu vực trên cơ sở các quy tắc; ứng phó tốt hơn với các thách thức gồm chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng và tội phạm xuyên quốc gia; sáng tạo trong sử dụng cũng như giúp đỡ công dân ASEAN nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số; dẫn dắt các nước thành viên kiên trì với tiến trình nhất thể hóa, thực hiện kết nối khu vực.

Cộng đồng ASEAN ra đời năm 2016, mở ra tương lai phát triển rộng lớn cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, một loạt vấn đề địa chính trị liên tục diễn ra thời gian qua như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và khủng hoảng người tị nạn Rohingya…

Tất cả những vấn đề này cản trở và làm phân tâm, khiến ASEAN khó tập trung toàn bộ tinh thần cùng sức lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Một nước chủ tịch ASEAN thịnh vượng như Singapore được đánh giá là có khả năng đưa nghị trình của ASEAN trở lại đường ray.

Đàm phán COC

Thách thức trước tiên đối với vị trí Chủ tịch ASEAN của Singapore là nhiệm vụ dẫn dắt các cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dự kiến sẽ bắt đầu đầu năm tới, sau khi các bên đạt được sự nhất trí trong Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua. Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh: “Bằng cách xử lý tốt vấn đề Biển Đông, chúng ta có thể giữ cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc đi theo chiều hướng tích cực”.

Khi được hỏi làm thế nào Singapore, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, có thể ngăn các quốc gia thành viên bị phân cực nếu Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn nhau, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Không thể ngăn các quốc gia thành viên đứng về bên này hoặc bên kia. Điều ASEAN có thể làm được hiện nay trên cương vị một khối chính là tăng cường hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ. ASEAN đánh giá cao quan hệ với hai cường quốc này, và hai cường quốc cũng rất chú tâm dến mối quan hệ với ASEAN”.

Thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế

Với vai trò một tổ chức khu vực đang phát triển, tiếp tục thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế vẫn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất hiện nay của ASEAN. Chỉ nâng cao trình độ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, ASEAN mới đủ sức để thúc đẩy các công việc cũng như hóa giải các thách thức khác. Nghị trình thúc đẩy kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Singapore khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN.

Về đối nội, Singapore sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử, kết nối cơ sở dữ liệu số hóa trong khu vực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Về đối ngoại, tập trung thúc đẩy tiến trình đàm phán hiệp định kinh tế toàn diện với các đối tác, tăng cường quan hệ ASEAN với các nước Trung - Nhật - Hàn và đẩy mạnh kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang có nguy cơ bùng phát trở lại, việc khẳng định Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tăng cường các hoạt động thương mại nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài của ASEAN, duy trì tốc độ tăng trưởng cùng sự bền vững của kinh tế quốc gia thành viên.

Đáng chú ý, Singapore khi lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN đã thúc đẩy ASEAN ký kết Hiệp định khung e-ASEAN, đặt cơ sở nền móng đầu tiên cho công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Mười tám năm sau, trình độ công nghệ thông tin của các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được tầm cao nhất định, nên việc Singapore một lần nữa dẫn dắt thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử càng mang ý nghĩa quan trọng, cả trước mắt cũng như lâu dài.

Môi trường địa - chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, đứng vững trên lập trường trung lập của mình, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước lớn, thúc đẩy xây dựng và phát triển tại khu vực, duy trì khả năng cạnh tranh, đồng thời ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố và cực đoan cắm rễ để bảo đảm môi trường an toàn và ổn định tại khu vực. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra cho Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2018 sẽ không hề đơn giản.