EU - Nhật bắt tay, Mỹ thiệt thòi đứng ngoài

Theo baoquocte.vn

Trong khi Tổng thống Trump muốn đòi lại lợi ích bằng chủ nghĩa bảo hộ, các đồng minh của Mỹ tiếp tục đàm phán tự do thương mại.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) được chào đón bởi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk ở hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản ở Brussels, Bỉ ngày 6/7. (Nguồn: Reuters).
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) được chào đón bởi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk ở hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản ở Brussels, Bỉ ngày 6/7. (Nguồn: Reuters).

Trong kế hoạch của Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ "vĩ đại trở lại", dùng sức mạnh kinh tế để áp đặt luật chơi thương mại có lợi cho mình. Đối với ông Trump, Mỹ là "trên hết" và là trung tâm của vũ trụ.

Nhưng thế giới lại nghĩ khác.

Các nền kinh tế lớn không chấp nhận quan điểm của Mỹ về thương mại. Ngày 6/7, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đồng ý thỏa thuận mậu dịch tự do trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Khi hoàn tất, thỏa thuận này sẽ đẩy mạnh thương mại giữa 2 thị trường đồng thời làm giảm cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ. Thỏa thuận này sẽ chiếm hơn một phần tư nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để Nhật Bản và EU giương cao ngọn cờ tự do thương mại trong bối cảnh đang có các động thái bảo hộ", Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói trong một buổi họp báo ở Brussels để công bố thỏa thuận. "Đây là thắng lợi đáng tự hào và sẽ gửi tới thế giới một thông điệp mạnh mẽ".

Cú bắt tay của EU và Nhật Bản

Sau chặng đường 4 năm thương tuyết, EU và Nhật Bản, 2 đồng minh lâu năm của Mỹ, đang cùng nhau đẩy mạnh toàn cầu hóa giữa lúc Mỹ đang hướng tới chủ nghĩa bảo hộ. Mỹ và các đồng minh đang đi những con đường trái ngược khiến các tập đoàn đa quốc gia cảm thấy bất trắc.

Cuối năm ngoái, EU ký Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện, gọi tắt là CETA, với Canada, một đối tác quan trọng của khối này trong giao dịch xuyên Đại Tây Dương.
Trái lại, Mỹ muốn đóng cửa với thế giới. Người Mỹ đang tranh cãi về việc xây bức tường dọc biên giới phía nam với Mexico, lệnh cấm người nhập cư từ một vài nước Hồi giáo, và việc đánh thuế nhập khẩu thép.

EU và Nhật Bản tin rằng tự do thương mại đồng nghĩa với thịnh vượng và lợi ích về địa chính trị. Với Nhật Bản, thỏa thuận này sẽ thắt chặt quan hệ với châu Âu và tăng cường thương mại giữa lúc nước này phải lo lắng ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhật Bản cần liên minh có sức mạnh để chống lại tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Với EU, thỏa thuận này tăng thêm sức mạnh cho khối thị trường chung trải dài từ Ireland tới Hy Lạp, đồng thời thể hiện tham vọng vươn ra toàn cầu, mang ý nghĩa đặc biệt khi EU đang bị thu nhỏ vì Anh sẽ rời liên minh.

Về cơ bản, thỏa thuận mới này sẽ thiết lập các quy định chung nhằm tăng đầu tư của Nhật Bản ở Châu Âu. Thỏa thuận này ghi rõ sự ủng hộ với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà ông Trump đã rời bỏ.

Nó cho phép các công ty Nhật như Honda và Toyota bán nhiều xe hơn cho châu Âu, và giúp các ngành nông nghiệp của châu Âu bán sản phẩm ở Nhật. Tokyo cũng sẽ tạo điều kiện để các công ty châu Âu đấu thầu dễ dàng hơn cho các dự án của chính phủ Nhật, tin vui cho các ông lớn ngành công nghiệp như Siemens của Đức và Alstom của Pháp.

Thỏa thuận này "gửi tín hiệu rõ ràng tới thế giới rằng Nhật Bản và EU là đối tác, là bạn, là đồng minh, và chúng tôi muốn cùng nhau bảo vệ thương mại tự do, công bằng và bền vững, trong bối cảnh những điều đó đang bị lên án", theo Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom.

Mỹ thiệt hại vì bảo hộ

Lặp đi lặp lại khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump liên tục lên án các hiệp định thương mại, nói nước mình đang chịu thiệt trong nền kinh tế thế giới. Lấy lý do đó, ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Obama đã vất vả gây dựng. Ông cũng đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, bao trùm Mỹ, Canada và Mexico. Ông còn ám chỉ rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuần này, ông Trump dùng vũ khí ưa thích của mình để tiếp tục làm giảm niềm tin của người Mỹ vào các hiệp định thương mại. Ông viết trên Twitter "Mỹ tham gia toàn những Hiệp định tệ nhất trong lịch sử. Sao chúng ta cứ có các thỏa thuận chả có ích gì?"

Với chính quyền Trump, Mỹ sẽ có lợi nhất với các thỏa thuận song phương. Có nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ có khả năng đòi hỏi các điều khoản có lợi trong thương mại song phương.

"Họ coi đàm phán song phương là cách để bắt nạt các nước khác", ông Chad P. Bown, chuyên gia thương mại ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nói với New York Times.

Nếu cứ làm vậy, Mỹ có thể sẽ mất dần tiếng nói trong thương mại toàn cầu, khi các nước khác có hướng đi riêng. Chẳng hạn, Nhật Bản đã bảo hộ nông dân của mình, cách ly ngành bơ sữa trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.

TPP - hiệp định thương mại khổng lồ mà Trump đã chối bỏ - lẽ ra đã buộc Nhật Bản mở cửa thị trường bơ sữa, và có thể đã giúp bơ sữa Mỹ vào Nhật. Giờ đây, châu Âu sẽ có lợi thế, vì Nhật Bản sẽ hạ thấp thuế quan với pho mai từ châu Âu như Gouda của Hà Lan.

Một phân tích từ Trường Kinh tế London kết luận Mỹ nếu có TPP sẽ hưởng lợi lớn hơn châu Âu trong việc bán hàng hóa sang Nhật. Mỹ có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nhật khi kim ngạch xuất khẩu sang Nhật năm ngoái đạt 108 tỷ USD. Trong khi đó, Châu Âu bán cho Nhật 58 tỷ EUR hàng hóa, tương đương 66 tỷ USD.

"Không biết ông Trump có hiểu khi 2 nước có tự do thương mại còn Mỹ không có tự do thương mại với cả 2 nước đó, thì Mỹ sẽ bất lợi," ông Bown, chuyên gia thương mại, nói với báo New York Times,"các công ty Mỹ giờ đang bất lợi".

Đe dọa đánh thuế thép

Nếu ông Trump thực hiện những lời đe dọa bảo hộ của mình, Mỹ cũng có thể yếu thế về địa chính trị.

Trong khi châu Âu và Nhật Bản đang hoàn tất thỏa thuận chung, chính quyền ông Trump đang toan tính áp đặt thuế nhập khẩu thép, lấy lý do an ninh quốc gia.

Động thái này có vẻ nhắm thẳng đến Trung Quốc, với sản lượng thép khổng lồ giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường thế giới, đang bị các đối thủ cạnh tranh phản đối.

Nhưng hầu hết thép từ Trung Quốc nhập vào Mỹ đã bị giới hạn bởi thuế và các rào cản khác, được kích hoạt theo quy định của WTO, vốn cho phép các nước thành viên bảo hộ công nghiệp nội địa nếu lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng quá nhanh. Thuế nhập khẩu thép vào Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới đồng minh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc, và châu Âu đã nói sẵn sàng trả đũa - gây lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại.
Lấy cớ an ninh quốc gia để áp thuế, chính quyền ông Trump tỏ ra không tôn trọng quy tắc và thỏa thuận quốc tế.

Và thế giới cũng không trông chờ một ngày ông Trump nhận ra thương mại là quan trọng. Các quốc gia khác đang tiếp tục buôn bán mà không cần Mỹ.