EU thiết lập liên minh năng lượng

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa đưa ra đề xuất thiết lập một liên minh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo nguồn cung khí đốt, bởi sự phụ thuộc hiện nay vào nguồn năng lượng từ Nga đang khiến châu Âu suy yếu.

EU thiết lập liên minh năng lượng
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa đưa ra đề xuất thiết lập một liên minh năng lượng của EU. Nguồn: internet

Việc thiết lập liên minh năng lượng cần dựa trên một số yếu tố, trong đó, ưu tiên thành lập một hệ thống mua bán khí đốt chung của EU, cho phép mỗi nước trong 28 thành viên EU không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga. Khi việc thiết lập này thành hiện thực, Châu Âu sẽ thực hiện các nhiệm vụ trong dài hạn nhằm phá vỡ sự độc quyền khí đốt của Nga và khôi phục lại thị trường cạnh tranh tự do.

Liên minh năng lượng sẽ được thành lập dựa trên tinh thần đoàn kết và lợi ích kinh tế chung. Nó sẽ được thành lập trên sáu nguyên tắc:

Thứ nhất, châu Âu cần xây dựng một cơ chế phối hợp đàm phán hợp đồng năng lượng với Nga. Một hợp đồng mẫu sẽ được tạo ra cho tất cả các hợp đồng khí đốt mới, Ủy ban châu Âu sẽ được yêu cầu để có một vai trò trong tất cả các cuộc đàm phán sau này.

Thứ hai, cơ chế đảm bảo sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên cần được tăng cường trong trường hợp nguồn cung cấp năng lượng một lần nữa cắt đứt, như trong mùa đông năm 2009 khi tranh chấp trước đó của Nga với Ukraine đã khiến nguồn năng lượng chảy vào một số quốc gia EU bị gián đoạn. Trong trường hợp một hay nhiều nước thành viên EU bị đe dọa cắt giảm nguồn cung khí đốt, các quốc gia khác sẽ trợ giúp thông qua "những cơ chế đoàn kết" này.

Thứ ba, EU sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đầy đủ. EU cũng cần hỗ trợ tài chính, thậm chí lên tới 75% giá trị của các dự án, và tăng khả năng dự trữ khí đốt ở các quốc gia hiện phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nhiều nhất

Thứ tư, châu Âu sẽ tận dụng các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than và khí đá phiến. Tại các tiểu bang phía đông của EU, Ba Lan trong đó, than đồng nghĩa với an ninh năng lượng.

Ông Tusk cho hay, hiện nay, ít nhất có 10 nước EU phụ thuộc vào nhà cung cấp duy nhất - Tập đoàn năng lượng độc quyền Gazprom của Nga - vốn cung cấp hơn 50% lượng tiêu thụ khí đốt cho các quốc gia này. Đặc biệt, nhiều nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Gazprom. Chính vì vậy, cần sử dụng triệt để nguồn nhiên liệu hóa thạch của EU, trong đó có than đá và khí đá phiến.

Thứ năm, châu Âu sẽ tiếp cận với các đối tác bên ngoài châu lục, như: Mỹ, Úc. Trong đó năng lượng có thể vận chuyển tới châu Âu dưới hình thức năng lượng hóa lỏng.

Thứ sáu, EU cũng cần củng cố Cộng đồng năng lượng giữa EU và 8 nước láng giềng ở phía Đông, ra đời năm 2008 để mở rộng thị trường khí đốt châu Âu về phía Đông.

EU đã đạt được tiến bộ trong cải thiện an ninh năng lượng của khối từ sau các cuộc khủng hoảng khí đốt năm 2006 và 2009, khi những tranh cãi giữa Kiev và Moskva dẫn tới việc gián đoạn nguồn cung khí đốt tới Tây Âu. Tuy nhiên, cho tới nay, sự phụ thuộc của EU vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, đặc biệt từ Nga, chỉ tăng chứ không giảm.

Số liệu từ Cơ quan thống kê EU (Eurostat) cho thấy mức độ phụ thuộc năng lượng vào nguồn nhập khẩu của EU đã tăng từ 63,4% năm 2009 lên 65,8% năm 2012. Trong khi đó, phần khí đốt của Nga trên thị trường EU đã tăng tới khoảng 30% (từ mức 20% trong năm 2010), và nhập khẩu dầu mỏ của Nga chiếm khoảng 35% nhu cầu sử dụng của EU.