FED chia rẽ vì tương lai QE3

Theo CNBC, VnExpress

Một số thành viên cho rằng FED phải chấm dứt gói nới lỏng định lượng trước khi đạt mục tiêu cải thiện tỷ lệ thất nghiệp do chi phí, rủi ro lạm phát và tài khóa tăng cao.

FED chia rẽ vì tương lai QE3

Theo biên bản cuộc họp tháng 1 được Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) công bố ngày 20/2, quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn bất đồng về tương lai của chương trình mua lại tài sản (QE3). Một số người cho rằng chương trình này cần chấm dứt trước khi FED đạt mục tiêu cải thiện tỷ lệ thất nghiệp.

Ngày 30/1, FED tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình mua lại chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp (MBS) trị giá 40 tỷ USD, cùng 45 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn mỗi tháng. FED chưa ấn định thời điểm chấm dứt chương trình này mà chỉ thông báo sẽ tiếp tục cho tới khi "triển vọng thị trường lao động có cải thiện đáng kể".

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách lại cho biết chi phí và rủi ro của gói nới lỏng này có thể khiến FED phải ngừng lại trước khi tình hình việc làm có chuyển biến. Báo cáo trên cũng cho thấy "phần lớn người tham gia" cuộc họp tin rằng việc mua lại tài sản có tác dụng tích cực trong kích thích kinh tế và củng cố tài chính. Tuy nhiên, những lo ngại về chương trình này cũng ngày càng cao. Theo biên bản, rất nhiều người trong cuộc họp bày tỏ sự lo ngại về "chi phí và rủi ro tiềm ẩn nảy sinh từ việc mua lại tài sản".

Những rủi ro được nêu ra gồm kích thích mạnh mẽ có thể khiến FED sau đó phải từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng, lạm phát tăng cao và bất ổn tài khóa. Báo cáo cũng nêu ra một số đề xuất thay đổi với chương trình nới lỏng định lượng hiện tại. Theo đó, "một số quan chức nhấn mạnh rằng FOMC nên sẵn sàng thay đổi quy mô của gói nới lỏng, để phù hợp với sự thay đổi của triển vọng kinh tế và cân đối hiệu quả, chi phí của chương trình". Một đề xuất được đưa ra là thay đổi quy mô gói nới lỏng theo từng cuộc họp, như FED từng làm với lãi suất.

Quan chức FED cũng bất đồng về hiệu quả của gói nới lỏng với thị trường tài chính. Biên bản cho biết: "Một vài người bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của việc tăng cường mua lại tài sản lên hoạt động của thị trường tài chính. Còn số khác lại nhấn mạnh chẳng có mấy bằng chứng cho thấy ảnh hưởng đó". Vì vậy, FED đã được yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn trong các cuộc họp sau để hỗ trợ đánh giá của FOMC về chương trình mua lại tài sản.