Fed đánh giá kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh giá kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định với hầu hết các ngành kinh tế và khu vực đều có những chuyển biến tích cực.

Các nhà bán lẻ Mỹ hy vọng mùa mua sắm cuối năm sẽ là động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng. Nguồn: internet
Các nhà bán lẻ Mỹ hy vọng mùa mua sắm cuối năm sẽ là động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng. Nguồn: internet

Dù đã vẽ nên bức tranh màu hồng nhưng các nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ hiện vẫn ở mức vừa phải do còn tồn tại một số yếu tố tiêu cực, chủ yếu liên quan đến tương lai của nền kinh tế.

Theo thông báo của Fed, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 năm nay đạt 2,8% và dự kiến sẽ ở mức 2% trong quý 4. Các nhà bán lẻ Mỹ hy vọng mùa mua sắm cuối năm sẽ là động lực giúp khu vực này tăng trưởng.

Bất động sản, du lịch và vận tải cũng được đánh giá tăng trưởng ổn định, trong khi ngành ôtô tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, hoạt động của ngành ngân hàng khá bình ổn do nhu cầu vay tiền tăng. Ngân hàng ở một số vùng thậm chí đã đủ khả năng nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay.

Thông báo của Fed cũng nêu rõ sức ép về lương và giá cả vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,8% lên 192,7 tỷ USD. Thâm hụt thương mại trong tháng 10 giảm 5,4% xuống còn 40,6 tỷ USD từ mức 43 tỷ USD trong tháng 9.

Thâm hụt thương mại là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Mỹ trì trệ trong nhiều năm. Năm 2012, thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới ở mức cao nhất, lên tới 534,7 tỷ USD.

Kinh tế và thị trường việc làm diễn biến khả quan khiến một số nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ bắt đầu ngừng chương trình kích cầu trị giá 85 tỷ USD. Đây là chương trình mua tài sản được thực thi nhằm giữ vững lãi suất dài hạn ở mức thấp để khuyến khích doanh nghiệp vay tiền và chi tiêu, từ đó kích thích tăng trưởng và đầu tư.

Trước đó, hồi tháng 6, Chủ tịch Fed Ben Bernanke từng tuyên bố ngân hàng trung ương có thể sẽ giảm chương trình này nếu nền kinh tế và thị trường việc làm tiếp tục cải thiện.

Mặc dù được đánh giá là có chuyển biến tích cực song thị trường việc làm, lĩnh vực chính mà Fed đang tập trung nguồn lực để cải thiện vẫn còn ảm đạm.

Các nhà phân tích đã nêu ra một số vấn để nảy sinh trong quá trình tuyển dụng nhân công như khó khăn trong việc tìm công nhân có đủ năng lực, đặc biệt ở vị trí đòi hỏi tay nghề cao.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ vụ chính phủ phải ngừng hoạt động hồi tháng 10 chưa chấm dứt vì vẫn còn tồn tại mối quan ngại về nguy cơ người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạn chế chi tiêu.

Một số người bày tỏ lo ngại khả năng chính phủ phải cắt giảm mạnh chi tiêu trong tháng 1/2014 nếu như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được nhất trí về chương trình ngân sách thay thế trước thời điểm đó. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng kinh tế toàn cầu tiếp tục trì trệ là mối quan ngại lớn nhất đối với kinh tế Mỹ.

Liên quan đến kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho rằng mục tiêu quan trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đưa ra sáng kiến tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong vòng năm năm là nhằm thay đổi nếp nghĩ của doanh nghiệp Mỹ theo hướng toàn cầu hơn.

Theo bà, đây là nỗ lực nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ trên thế giới, vì 95% khách hàng ở bên ngoài nước Mỹ. Bên cạnh đó, xuất khẩu phát triển cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực cho thị trường việc làm Mỹ vì hiện ngành này đang tạo ra 10 triệu việc làm so với mức 1,3 triệu việc làm hồi năm 2009.

Cùng ngày, Tổng thống Obama kêu gọi quốc hội nâng lương tối thiểu hiện đang ở mức 7,25USD/giờ và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại nền kinh tế số một thế giới.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng tầng lớp giàu có nắm phần lớn tài sản nước Mỹ và xã hội Mỹ "đang ngày càng rơi vào sự bất bình đẳng rõ rệt".

Hiện thu nhập trung bình của những người đứng đầu các tập đoàn kinh tế Mỹ cao gấp 273 lần so với mức thu nhập trung bình của công nhân, tăng vọt so với mức chênh lệch 20-30 lần trong quá khứ.

Tình trạng này đang gây tổn hại tới giới trung lưu ở Mỹ, tầng lớp được đánh giá là động lực cho sự thịnh vượng kinh tế.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng từng kêu gọi nâng lương tối thiểu nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp và kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, đề nghị này nhiều lần vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ đảng Cộng hòa.