Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 1,0 - 1,25%

Theo thoibaonganhang.vn

Kết thúc cuộc họp tháng 7 diễn ra trong hai ngày 25-26/7/2017, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định, tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức 1,0-1,25%, áp dụng mức lãi suất 1,0% đối với nghiệp vụ cho vay qua đêm nhằm đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng thương mại.

Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 1,0 - 1,25%. Nguồn: Internet
Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 1,0 - 1,25%. Nguồn: Internet

Trong quý II/2017, lạm phát cũng khá trầm lắng, chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (còn gọi là lạm phát lõi - không tính đến giá năng lượng và thực phẩm) chỉ tăng 0,9%, đây là mức tăng thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,8% trong quý I. Trong quý II/2017, chỉ số sức mua trong nước cũng chỉ tăng 0,8%, sau khi tăng 2,6% trong quý trước.

Theo chức năng, nhiệm vụ quy định, FOMC tiếp tục tìm kiếm giải pháp tạo thêm việc làm cho người lao động và ổn định giá cả. Các quan chức kỳ vọng, với việc điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ theo lộ trình từng bước, hoạt động kinh tế sẽ tăng nhẹ, thị trường lao động tiếp tục cải thiện.

Lạm phát hàng năm được kỳ vọng tiếp tục dao động dưới mục tiêu 2% trong ngắn hạn, nhưng sẽ ổn định quanh ngưỡng 2,0% trong giai đoạn trung hạn. Trong ngắn hạn, rủi ro đối với nền kinh tế nhìn chung vẫn ổn định, nhưng FOMC sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát.

Về thời điểm tăng lãi suất trong tương lai gần, các thành viên FOMC sẽ dựa trên đánh giá thực tế và triển vọng kinh tế theo mục tiêu là tăng tối đa số lượng việc làm và mốc lạm phát 2%. Đánh giá này sẽ được tiến hành dựa trên nhiều thông tin, bao gồm các giải pháp và chỉ số trên thị trường lao động, các chỉ số về áp lực lạm phát và kỳ vọng lạm phát, diễn biến tài chính trong và ngoài nước.

Các thành viên FOMC kỳ vọng, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi, đảm bảo cho Fed tăng dần các mức lãi suất chính sách theo lộ trình đề ra, mặc dù mức lãi suất thấp sẽ tiếp tục chi phối trong thời gian dài. Tuy nhiên, quyết định và mức tăng lãi suất sẽ tùy thuộc vào triển vọng kinh tế và dữ liệu kinh tế thực tế.

Cho đến nay, FOMC đang duy trì chính sách tái đầu tư các khoản thanh toán tiền vốn thu được từ các khoản nợ của các cơ quan chính phủ và chứng khoán cầm cố và tiếp tục gia hạn trái phiếu kho bạc thông qua hình thức đấu thầu.

FOMC kỳ vọng sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện chương trình bình thường hóa bảng cân đối tài sản, vốn mở rộng đáng kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chương trình này đã được mô tả cụ thể tại Phụ lục các Nguyên tắc và Kế hoạch bình thường hóa chính sách của FOMC.

Theo nhận định của các chuyên gia và một số nhà đầu tư, GDP tăng dần và chi tiêu dùng và đầu tư tăng dần sẽ thúc đẩy GDP tăng cao trở lại sẽ cho phép Fed có thể bắt đầu hành động vào tháng 9. Khi đó, Fed sẽ tiến hành cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu 4,5 nghìn tỷ USD (vốn đã mở trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và suy thoái kinh tế sau đó), đồng thời cân nhắc khả năng tăng lãi suất đợt ba trong năm nay.

Việc thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ bắt đầu bằng việc không tái đầu tư một phần tiền thu được từ danh mục đầu tư hàng tháng. Phần còn lại sẽ được tái đầu tư như thường lệ, ban đầu Fed sẽ không tái đầu tư 10 tỷ USD/tháng và tăng hàng quý lên mức 50 tỷ USD. Các quan chức Fed ước tính, một khi kế hoạch này hoàn tất, bảng cân đối tài sản có thể vẫn sẽ vượt quá 2 nghìn tỷ USD.

Chủ tịch Janet Yellen và các quan chức Fed nhấn mạnh, việc áp dụng các nghiệp vụ thu hẹp dần bảng cân đối tài sản nên được tiến hành thận trọng, tránh gây xáo trộn thị trường, đặc biệt là trước những lo ngại về nguy cơ lãi suất tăng cao nếu nhu cầu về trái phiếu ở mức thấp.

Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, Fed đang bi quan về khả năng đạt được những mục tiêu kinh tế đề ra, nhất là mục tiêu lạm phát. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,4%, các quan chức Fed khá lúng túng trong việc tìm kiếm giải pháp cải thiện thu nhập cho người lao động nhằm nâng cao chi tiêu và mức sống xã hội. Chỉ số tăng lương bình quân theo giờ vẫn kẹt ở mức 2,5%, chỉ số tiêu dùng cá nhân chỉ ở mức 1,4%.

Dấu hiệu đáng lo ngại là, lạm phát có xu hướng giảm dần. Trong ba tháng qua, lạm phát giảm từ 2,2% trong tháng 4 xuống 1,87% trong tháng 5 và 1,63% trong tháng 6. Điều này khiến một số quan chức cảnh báo, cần thận trọng trong việc tăng lãi suất cho đến khi lạm phát tiến sát ngưỡng mục tiêu đề ra, trái với kỳ vọng của đa số thành viên FOMC cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 9, hay tháng 10, tháng 12 tới đây. Lãi suất chính sách sẽ tác động đến tiêu dùng, đặc biệt là khả năng mua sắm nhà ở và mức tiết kiệm của dân cư, qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế.