Gánh nặng nợ của Nhật Bản giảm nhanh nhất thế giới

Theo nhipcaudautu.vn

Nhiều năm nay, Nhật Bản vẫn có tiếng là có gánh nợ công lớn nhất thế giới. Điều này giờ đây không cùng đúng nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nợ công của Nhật Bản đang giảm mạnh, và theo ước tính đã giảm với mức tương đương 15 điểm phần trăm GDP hàng năm, rơi vào mức độ kiểm soát tốt hơn.

Hoạt động mua trái phiếu từ các nhà đầu tư tư nhân- chưa từng có tiền lệ - của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã làm thay đổi bức tranh tổng quan. Mặc dù trái phiếu nợ vẫn còn trên bảng cân đối của chính phủ, nhưng giờ đây chúng không còn được lĩnh vực tư nhân nắm giữ nữa, nên được tính là không liên quan.

Martin Schulz, nhà kinh tế học cao cấp tại Fujitsu Research Institute ở Tokyo, nhận định, Nhật Bản là nước có lượng nợ công nằm trong tay tư nhân giảm nhanh nhất trên thế giới.

Gánh nặng nợ của Nhật Bản giảm nhanh nhất thế giới - Ảnh 1
Lượng nợ công của Nhật Bản nằm trong tay tư nhân đang giảm.

Tuy tổng nợ ước tính của chính phủ Nhật Bản hiện gấp 2 lần quy mô kinh tế, theo tính toán của ông Schulz dựa trên dữ liệu của BOJ, song sự thay đổi lượng nợ nắm giữ bởi khu vực tư nhân như ngân hàng, hộ gia đình, đang có ảnh hưởng lớn. Điều này đồng nghĩa rằng khối nợ nằm trong tay tư nhân sẽ giảm xuống 100% GDP trong 2-3 năm tới từ 177% trước khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền hồi cuối năm 2012.

Tuy vậy, Nhật Bản vẫn không giảm đi vay. Chính quyền của Thủ tướng Abe đang đặt nền móng cho sự bùng nổ kích thích tài chính - huy động tiền bằng cách bán trái phiếu. Thủ tướng Abe hôm thứ Tư 31/5 cũng tuyên bố sẽ hoãn việc tăng thuế bán hàng - dự kiến áp dụng vào tháng 4/2017 - thêm hơn 2 năm nữa. Hôm thứ Ba 30/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso giải thích rằng "vấn đề lớn nhất là tiêu dùng cá nhận vẫn chưa tăng", do vậy, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế.

Nhật Bản đẩy mạnh chi tiêu chính phủ trong bối cảnh bong bóng chứng khoán và bất động sản đổ vỡ trong những năm đầu thập niên 1990. Với quy mô mua vào của BOJ quá lớn, ước tính lên đến tương đương hơn 90% nợ chính phủ mới được phát hành mỗi tháng.

Do Ngân hàng trung ương hiện đóng vai trò ngày càng tăng trong việc cung cấp tài chính cho chương trình kích thích kinh tế của chính phủ, Nhật Bản đang ngày càng gần với chiến lược được nhà kinh tế đoạt giải Nobel Milton Friedman gọi tên năm 1969 “tiền máy bay trực thăng”.