Gánh nặng việc làm

Theo An ninh Thủ đô

Đã 5 năm trôi qua vậy mà thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008 và một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là việc làm.

 Gánh nặng việc làm
Thất nghiệp cao đã kéo theo các hệ luỵ xã hội không thể xem thường. Nguồn: Internet
Trong báo cáo “Tình hình Việc làm thế giới 2013” công bố ngày 3/6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hết sức quan ngại về thách thức tạo việc làm tại các quốc gia trên thế giới. Theo tổ chức này, đã 5 năm trôi qua kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008, song bức tranh việc làm thế giới chỉ sáng dần lên ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, vẫn rất u ám tại châu Âu.

Sự phục hồi kinh tế và việc làm tại nước đang phát triển và mới nổi đã đóng góp đáng kể vào việc tạo ra thêm 200 triệu việc làm mới hàng năm và tăng thêm 208 triệu việc làm năm 2015. Tuy nhiên, ILO cho rằng số việc làm tăng thêm đó vẫn chưa đủ giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp vốn đã quá trầm trọng vì phải tạo thêm 30 triệu việc làm nữa mới đạt được mức việc làm trước giai đoạn khủng hoảng. Đó là chưa kể còn đồng thời phải tạo thêm 16,7 triệu việc làm mới cho đội ngũ thanh niên đến tuổi lao động trong năm 2013. 

Chỉ có một số nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Canada, Australia... và Mỹ - xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 - có chút “nhúc nhích” trong việc cải thiện thêm việc làm. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu, nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng kép là nợ công và thất nghiệp. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone tháng 4 vừa qua đã lên mức kỷ lục mới là 12,2% khiến giải quyết việc làm trở thành một trong chương trình nghị sự được ưu tiên hàng đầu ở châu Âu cùng với cuộc khủng hoảng nợ công. Đáng lo hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp lên mức khó tin ở châu Âu là 59,1% ở Hy Lạp hồi tháng 1 vừa qua hay 55,9% tại Tây Ban Nha trong tháng 3, tiếp đó là Italia và Bồ Đào Nha với 38,4% và 38,3%.

Thất nghiệp cao đã kéo theo các hệ luỵ xã hội không thể xem thường như không ít cuộc biểu tình đòi công ăn việc làm tại châu Âu đã biến thành những cuộc bạo động đường phố. Theo báo cáo của ILO, trong số 71 nền kinh tế, nguy cơ mất ổn định xã hội gia tăng từ năm 2011-2012 thì các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ mất ổn định xã hội cao nhất mà nóng nhất là tại Cyprus, CH Czech, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha - những quốc gia đã hoặc mấp mé bờ vực khủng hoảng nợ công. 

Ngược lại, nguy cơ mất ổn xã hội đang có chiều hướng giảm ở khu vực Nam sa mạc  Sahara, Đông Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, cùng các nước Mỹ Latin và đặc biệt khu vực Caribe. ILO cho rằng sự phục hồi tương đối nhanh sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, chủ yếu do sự kết hợp của các chính sách nới lỏng tài chính và tăng giá cả hàng hóa, đã giúp ổn định cuộc sống và nhất là tạo thêm nhiều việc làm mới. 

Cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao hiện là một thách thức lớn toàn cầu cũng như mỗi quốc gia, ILO khuyến cáo cần phải dồn nỗ lực để tạo thêm nhiều việc làm. Tổ chức này cũng đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó đặc biệt kêu gọi chính phủ các nước áp dụng phương pháp tiếp cận bền vững hơn đối với việc củng cố tài chính, chú ý nhiều hơn tác động xã hội và việc làm của các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhau.