Giăng lưới ngoại hối

Theo cafef.vn

(Tài chính) Việc Barclays phải đình chỉ 6 nhân viên, bao gồm cả giám đốc giao dịch tiền tệ ở London là dấu hiệu cho thấy một làn sóng gia tăng kiểm soát hoạt động giao dịch ngoại hối ở cả 3 châu lục.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước đó, hôm 31/10, Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) đã sa thải 2 giao dịch viên có liên quan tới cuộc điều tra. Cơ quan Kiểm soát hoạt động tài chính của Anh (FCA) cho biết cuộc điều tra chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Với ngày càng nhiều ngân hàng bị “sa bẫy” và nhiều nhân vật cao cấp bị buộc phải về vườn, các nhà ngân hàng và nhà đầu tư cho rằng mọi việc ngày càng giống như vụ bê bối gian lận lãi suất LIBOR. Cho đến nay, bê bối LIBOR đã dẫn đến việc sa thải hàng chục giao dịch viên, trong khi 4 ngân hàng và một công ty môi giới chứng khoán đã bị phạt tổng cộng 3,5 tỷ USD.

Các nhà chức trách ở Thụy Sĩ, Anh, Hồng Công và Hoa Kỳ đã mở những cuộc điều tra sơ bộ liệu một số ngân hàng lớn nhất thế giới có gian lận trong thị trường ngoại hối hay không. Đây là thị trường có giá trị giao dịch hàng ngày lên tới 5.300 tỷ USD và có sự tham gia của hàng triệu công ty, tổ chức quỹ và nhà đầu tư cá nhân. London là trung tâm quan trọng nhất của thị trường này, chiếm tới 40% hoạt động giao dịch ngoại hối toàn cầu.

Các lãi suất quan trọng trên thị trường này được thiết lập dựa trên các giao dịch của các loại tiền tệ mạnh nhất, được thực hiện khi một cửa sổ giao dịch mở ra trong vòng vỏn vẹn 60 giây (bắt đầu vào lúc 16 giờ 00 hàng ngày). Người ta nghi ngờ các giao dịch viên thông đồng thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch trong thời gian chuẩn bị và trong khi mở cửa sổ giao dịch để tác động tới lãi suất.

“Nếu một số trong các ngân hàng lớn cùng nhau đặt lệnh để đẩy số giao dịch lên một lượng rất lớn, hàng tỷ USD mỗi giao dịch, khi đó họ có thể thao túng thị trường” - theo Mark Taylor, một nhà kinh doanh ngoại hối trước đây, hiện là Hiệu trưởng của Trường Warwick Business.

Sau một loạt nhân viên cao cấp bị sa thải trong tuần trước, vẫn còn ít nhất 1 tá giao dịch viên khác ở 6 ngân hàng lớn có thể bị sa thải tiếp. Họ bao gồm một số giao dịch viên cao cấp nhất trong thị trường như Chris Ashton của Barclays, người giám sát các giao dịch tức thời bằng giọng nói ở khắp thế giới của ngân hàng này.

Ít nhất 6 trong những ngân hàng hàng đầu thị trường ngoại hối, nơi giao dịch tất cả loại tiền tệ, từ đồng tiền dự trữ hàng đầu như USD đến các đồng tiền nhỏ hơn như forint của Hungary, xác nhận họ đã nhận được những yêu cầu hợp tác điều tra từ các cơ quan quản lý.

Citigroup và JPMorgan hôm 1/11 trở thành những ngân hàng mới nhất xác nhận họ đã hợp tác với cơ quan quản lý trong các cuộc điều tra, gia nhập nhóm các ngân hàng đã bị điều tra trước đó gồm Barclays, UBS, Deutsche Bank và RBS. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng đã bắt đầu điều tra nội bộ để rà soát các dấu hiệu của hành vi sai trái, tương tự HSBC và Credit Suisse.

Tại Anh, Sir Philip Hampton, Chủ tịch RBS - nơi nhà nước là cổ đông đa số, cho biết người nộp thuế hầu như không nhận được lợi lộc gì từ hoạt động đầu tư 45 tỷ bảng (72,1 tỷ USD) của ngân hàng, một phần do chi phí tranh chấp và bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Ông nói rằng hơn một nửa của 45 tỷ bảng được bơm vào ngân hàng đã bị xói mòn bởi những thiệt hại “không thể thu hồi”, bao gồm các chi phí cho bảo hiểm bảo vệ thanh toán, giao dịch hoán đổi lãi suất và tiền phạt vụ LIBOR.

Các cơ quan hữu trách trên thế giới cũng đang xem xét liệu các mức lãi suất khác có bị thao túng hay không, bao gồm thị trường dầu mỏ giao ngay. “Những cuộc điều tra này là điều tôi lo lắng nhất. Nó giống như các ngân hàng không còn hệ thống miễn dịch nữa. Một cơn cảm lạnh có thể giết chết bạn” - một giám đốc giao dịch toàn cầu của ngân hàng đầu tư lớn nói.